Lễ hội Đả Ngư: Nét đẹp văn hóa tâm linh của Sơn Tây - xứ Đoài Sơn Tây phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa

Đền Và còn gọi là (Đông Cung), một trong “tứ trấn” thờ thần núi Tản Viên, thuộc địa bàn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Đền Và tọa lạc trên một khu đồi Lim cổ thụ hàng nghìn năm tuổi, hình con Rùa đang bơi về hướng mặt trời mọc. Xung quanh đền Và, phía Tây là những đồi bát úp trải dài, phía Bắc là dòng sông Tích quanh co uốn lượn như dải lụa đào. Xa xa in đậm trên nền trời xanh, sừng sững ngọn núi Ba Vì cao ngất, bốn mùa mây trắng vờn quanh, đã sớm xuất hiện một thiên tình sử thần kỳ bất hủ, còn sống mãi với thời gian và năm tháng…

Dù ai đi lễ trăm miền, không bằng cầu lễ tháng Giêng đền Và…
Đền Và tọa lạc trên một khu đồi Lim cổ thụ hàng nghìn năm tuổi thuộc phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây.

Đền có diện tích 2000m2, được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, mang đậm bản sắc kiến trúc phương đông. Quần thể di tích đền Và gồm các công trình như: Nghi Môn, lầu Cô Chín, sân Long hóa, Gác Chuông, Gác Trống, Tả - Hữu mạc, Tiền Tế, Thượng Điện, Hậu Cung, Nhà kiệu... Đền Và là nơi thờ Tam vị Đức Thánh Tản, sắc phong Tam vị Quốc chúa thượng đẳng thần gồm Thánh Tản Viên và hai người em con chú là Thánh Cao Sơn và Thánh Quý Minh. Trong đó, Thánh Tản Viên được coi là Đệ nhất phúc thần hay còn gọi là Nam thiên thần tổ - vị thánh đứng đầu trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Dù ai đi lễ trăm miền, không bằng cầu lễ tháng Giêng đền Và…
Lễ hội đền Và năm 2024 được tổ chức trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm.

Ngoài thờ tam vị Đức Thánh Tản, đền Và còn thờ Đức Quốc Mẫu bà Đen ở gian hậu cung là thân mẫu Thánh Tản Viên. Gian nhà ngoài của hậu cung còn có 4 pho tượng, tạc ở tư thế đứng, tay cầm vũ khí cổ, ngoài khoác áo bào đỏ. Bốn pho tượng này được gọi là Tứ thành trấn ở 4 cung quanh núi Ba Vì, nơi đặt đại bản doanh của Đức Quốc Mẫu và Tam vị Đức Thánh Tản.

Dù ai đi lễ trăm miền, không bằng cầu lễ tháng Giêng đền Và…
Đoàn công tác của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đi kiểm tra công tác tổ chức Lễ hội đền Và.

Cái hồn của đền Và chính là câu chuyện trị thủy lấy gốc tự mạch núi của Thánh Tản. Đó là nghĩa sâu xa của triết lý non nước ẩn trong nền văn minh lúa nước của người Việt cổ. Đức Thánh Tản trở thành một vị phúc thần thiêng liêng luôn phù trợ tai họa, mang điều tốt lành đến cho nhân dân. Trong đền hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý, gồm 5 bản thần tích “Tản Viên Sơn Thánh”; 18 đạo sắc phong qua các đời vua, 47 đôi câu đối được chạm khắc, viết trên vách cột, trên gỗ và 18 bức hoành phi viết trên gỗ hoặc đá. Trên những hiện vật quý có khắc ghi thời gian xây dựng, tu sửa, ca ngợi cảnh quan, uy linh của đức Thánh Tản Viên với nhiều nét trang trí có giá trị mỹ thuật cao.

Dù ai đi lễ trăm miền, không bằng cầu lễ tháng Giêng đền Và…
Ban Quản lý di tích đền Và tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.

Năm 1964, đền Và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc Gia, năm 2016, Lễ hội đền Và đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, rừng lim nghìn năm tuổi đền Và được công nhận cây di sản Việt Nam. Đây là một địa điểm linh thiêng, danh thắng thu hút nhiều du khách mỗi khi đến thăm vùng đất Sơn Tây- xứ Đoài.

Vào những năm chính hội, nhân dân Sơn Tây tổ chức lễ rước kiệu từ đền Và, thị xã Sơn Tây qua sông Hồng sang đền Dội thuộc thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Tương truyền vì đền Ngự Dội là nơi Thánh Tản nghỉ chân khi về thăm đất tổ Hùng Vương quê ngoại ở đó. Đồng thời đây cũng là hành động bày tỏ lòng biết ơn của Thánh Tản với người đàn bà đã có công gánh nước cho Tản Viên Sơn khi người, ngựa và quân của ông nghỉ chân ở đây.

Năm nay, công tác chuẩn bị Lễ hội đền Và nhìn chung được chuẩn bị chu đáo. Các hoạt động mê tín dị đoan không đúng với thuần phong mỹ tục; tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hóa phẩm phản động, dịch vụ đổi tiền lẻ, nạn ăn xin... trong lễ hội được ngăn chặn triệt để.

Bà Đỗ Thị Kim Dung, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sơn Tây cho biết, phường Trung Hưng và Ban Quản lý di tích đền Và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh khi tổ chức và tham gia lễ hội.

Hiện thị xã Sơn Tây đang lập quy hoạch, lập dự án xây dựng hạ tầng đền Và giai đoạn I. Dự án có diện tích gần 4ha, nằm cách đền Và 200m, gồm các hạng mục khu bãi đỗ xe kết hợp dịch vụ, nhà đón tiếp, các ki ốt kinh doanh và những hạng mục phụ trợ khác, nhằm bảo đảm mỹ quan, an toàn và vệ sinh môi trường tại khu di tích đền Và.