Lễ hội Đả Ngư: Nét đẹp văn hóa tâm linh của Sơn Tây - xứ Đoài
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2023 lùi xuống ngày 27-29/10 Sôi nổi khai hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2023 Múa rối nước - Nét độc đáo của lễ hội truyền thống đình làng Yên |
Lễ hội Đả Ngư bắt nguồn từ một truyền thuyết Đức Thánh Tản kéo vó trên sông Tích. Truyền thuyết kể rằng, một hôm, Thánh Tản Viên giả dạng thành một lão nông đi dạo trên sông Tích, đến đoạn giữa Cầu Vang (một cây cầu bắc qua dòng sông Tích) thấy một ông già ngồi kéo vó. Lúc trời đứng bóng, ông già mở cơm nắm muối vừng rồi mời Ngài cùng ăn. Cảm kích trước tấm lòng của ông, Ngài hỏi thăm và muốn giúp ông việc kéo cá. Ông già than phiền vì từ sáng đến giờ chả được con nào.
Ngài vui vẻ xin ông kéo thử một mẻ. Thật kỳ lạ, khi cầm vó kéo lên ông già thấy bao nhiêu là cá, cá lớn, cá nhỏ thi nhau quẫy đành đạch làm ông hoa cả mắt. Ông sung sướng vội vàng bắt cá vào giỏ. Hai người vừa bắt vừa đếm được 99 con. Thấy đáy vó còn duy nhất một con cá trê đang mang bụng chửa, ông già đã nghe lời Ngài thả nó về sông để làm phúc.
Nhân dân mở hội đánh cá trên trên sông Tích để tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh Tản. |
Thánh Tản còn ở lại dạy ông lão cách chế biến cá thành các món ăn ngay ở nơi kéo cá nên không kịp về nhà lấy muối. Do vậy các món đều ăn nhạt. Ăn xong Thánh Tản thấy nhạt miệng liền dạy ông lão hái quả cau tươi cùng lá trầu và vỏ cây quạch đưa lên miệng nhai mà không cần dùng vôi. Lạ thay, càng nhai cụ càng cảm thấy người phấn khích, bừng nóng, miệng thơm tho chẳng còn chút tanh của cá nữa. Kể từ đó cụ già biết cách làm vó và chế biến món cá rồi dạy nhân dân trong vùng làm theo.
Lại nói chuyện con cá trê, sau khi được phóng sinh đã sinh nở đầy đàn. Nhớ ơn cứu mạng, khi sắp chết, cá trê nọ đã cố bơi về gần Đền Và, ngoảnh đầu bái lạy. Nơi này về sau gọi là xóm cá Trê (nay thuộc thôn Đồng Đổi, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây).
Tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh Tản, hàng năm, nhân dân trong vùng lại mở hội đánh cá trên trên sông Tích vào ngày Rằm tháng 9 Âm lịch. Ngoài mục đích dựng lại tích Thánh Tản kéo vó, lễ hội Đả Ngư còn mang tính khuyến ngư và giữ gìn môi trường sinh thái vùng sông Tích.
Lệ vùng này quy định, mùa đánh cá trên sông Tích được diễn ra trong 3 tháng, nhất thiết chỉ được bắt đầu từ ngày mở hội, trước đó, ai lén lút phạm luật sẽ bị thánh giáng họa. Mỗi khi vào hội, dân hai bờ sông Tích đổ ra kín cả một khúc sông. Trai tráng dân làng các thôn Vân Gia, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Ái Mỗ ùa ra các đoạn sông Tích từ Thượng Cầu Vang (đoạn giáp xã Đường Lâm) đến Hạ Mả Mang (đoạn giáp thôn Ái Mỗ) để cùng đánh bắt cá tập thể. Dưới nước trai đinh nhộn nhịp bơi lội úp xúc, trên bờ dân làng thôi thúc trống chiêng cổ vũ.
Ai đánh bắt được cá trắng to thì nộp cho làng, cá nhỏ thì mang về ăn. Ai được con cá nào to tâm niệm năm ấy Đức Thánh Tản sẽ phù trợ làm ăn gặp nhiều may mắn. Đánh đến khi nào chọn được 99 con cá trắng to thì mang số cá đó về làm lễ vật dâng lên Thánh Tản để cảm tạ ân đức của Ngài. Con số 99 ở hội Đả Ngư nhắc chuyện con cá trê mang bụng trứng được phóng sinh năm xưa. Nghĩa cử ấy hợp với việc bảo tồn nguồn thủy sản ngày nay.
Trong số 99 con cá ấy các cụ rửa sạch chế biến thành những món như: Cá luộc, cá nướng, gỏi cá, món nham. Tất cả các món đều không được dùng muối. Bày biện xong các cụ cử hành lễ tế. Cuối buổi mọi người ngồi cùng nhau thụ lộc, tinh thần sảng khoái. Khi ăn cơm xong, mọi người cùng nhau uống nước ăn trầu (lá trầu, cau, vỏ) nhưng không được dùng vôi. Vì thế, dân gian có câu: “Hội Đền Và trầu không vôi, xôi không muối”.
Năm 2023, lễ hội Đả Ngư được tổ chức như thường lệ vào ngày 29/10/2023 (tức ngày 15/9 âm lịch năm Quý Mão) tại di tích lịch sử Đền Và, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Trước đó, vào ngày 28/10/2023 (tức ngày 14/9 âm lịch) từ 14h30 phút nhà Đền làm lễ Phong triều.
Cùng với lễ hội Rằm tháng Giêng, lễ hội Đả Ngư là nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng xứ Đoài cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Thông qua đó nhằm tôn vinh, tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá những giá trị đặc sắc của di tích Đền Và và lễ hội Đền Và - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của dân tộc, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân cùng nhau gìn giữ di sản văn hóa.
Bình luận