Dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6%
Không để hàng không, du lịch lỡ nhịp phục hồi Chuẩn bị tốt lực lượng lao động Tăng trưởng GDP 9 tháng cao nhất trong 12 năm qua |
Theo các chuyên gia phân tích tại KBSV, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng trong năm 2023 bao gồm: Động lực từ đầu tư công; dòng vốn FDI ổn định trong kịch bản lạm phát hạ nhiệt và các nền kinh tế lớn suy thoái nhẹ diễn ra vào năm 2023 và tiêu dùng nội địa tích cực (hưởng lợi từ khách Trung Quốc).
Ở chiều ngược lại, một số yếu tố tác động tiêu cực tới tăng trưởng GDP có thể kể đến như: Rủi ro suy thoái Mỹ và EU tác động tiêu cực lên hoạt động xuất khẩu (phần nào được bù đắp nhờ FTAs và thương mại với Trung Quốc khi nước này mở cửa) và áp lực lạm phát trong nước và nền lãi suất cao khó giảm mạnh, có thể gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. |
Về đầu tư công, các nhà nghiên cứu cho rằng đây vẫn được coi là giải pháp then chốt nhằm kích thích kinh tế cũng như tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác trong dài hạn.
Giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022 đạt 435,9 nghìn tỷ đồng, bằng 75,1% kế hoạch Chính phủ giao.
Thời gian qua, việc giải phóng mặt bằng chậm, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá.
Hơn nữa, kế hoạch đầu tư công trung hạn mới được Quốc hội thông qua từ tháng 7/2021, nên thực tế đầu năm 2022 chủ yếu là tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp.
Trong khi đó, các dự án mới thì vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục, quá trình này thông thường mất khoảng 6-8 tháng.
Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 726.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022.
Tỷ lệ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công kỳ vọng cải thiện dự báo đạt trên 80% kế hoạch (so với mức đạt được 75% của năm 2022), giúp khơi thông nguồn vốn bị tắc nghẽn ở kho bạc, hỗ trợ thanh khoản nền kinh tế.
Các chuyên gia phân tích cũng chỉ ra rằng, lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu, vẫn là yếu tố khó lường có thể kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam do xung đột Nga và Ukraine chưa đi vào hồi kết, khiến nguồn cung hàng hóa cơ bản, nông sản và năng lượng thế giới vẫn gián đoạn, gia tăng áp lực chi phí đẩy.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn trở lại sẽ thúc đẩy giá dầu khí nói riêng và nguyên liệu thô toàn cầu nói chung đi lên và gây áp lực lên giá của nhiều hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ khác và khiến cho lạm phát toàn cầu bật tăng trở lại, đặc biệt tại Mỹ.
Ngoài ra, việc ngân hàng trung ương các nước lớn trên thế giới vẫn đang trong lộ trình tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Nhu cầu tiêu dùng tại các quốc gia đối tác thương mại chính của Việt Nam là Mỹ và EU, Trung Quốc đều có xu hướng suy giảm trước rủi ro suy thoái kinh tế, do vậy có thể trở thành thách thức lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Các chuyên gia cũng lưu ý, rủi ro gây gia tăng áp lực lạm phát trong năm 2023 sẽ đến từ việc: Giá xăng, dầu tăng trở lại theo diễn biến giá xăng, dầu thế giới do nhu cầu tiêu thụ tăng cao khi Trung Quốc mở cửa; Chính phủ thực hiện lộ trình tăng giá điện sau 3 năm giá đi ngang và Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu, nên việc VND giảm giá mạnh tháng 9 và 10/2022 sẽ tạo áp lực lớn lạm phát ngay từ quý I/2023.
Mặc dù, xuất hiện các yếu tố rủi ro gây gia tăng áp lực lạm phát trong năm 2023, nhưng lạm phát của Việt Nam được kỳ vọng vẫn được kiểm soát tốt quanh ngưỡng 4-4,5% cho cả năm 2023.
Bình luận