Tín hiệu tích cực từ thị trường lao động, việc làm Thị trường lao động phục hồi trở lại Hội thi Thợ giỏi thành phố Hà Nội lần thứ 2

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo, cứ sau 5 năm, 30% số kỹ năng nghề nghiệp hiện tại của người lao động phải thay thế bằng những kỹ năng mới. Kỹ năng nghề là một trong 12 trụ cột để xác định năng lực cạnh tranh toàn cầu của các nền kinh tế theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Thậm chí, kỹ năng nghề còn được xem như là một “đơn vị tiền tệ” mới trên thị trường lao động toàn cầu; chính vì khoảng cách kỹ năng nghề mà 6% GDP của thế giới, tương đương 5 nghìn tỷ USD, bị mất mỗi năm.

Kiểm tra tay nghề của người lao động trước khi đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản. (Ảnh MINH THẮNG)
Kiểm tra tay nghề của người lao động trước khi đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản. (Ảnh MINH THẮNG)

Ðây cũng là lý do Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới (WSI) khuyến nghị các quốc gia phải chú trọng phát triển kỹ năng cho người lao động thông qua nhiều hình thức, thể hiện qua thông điệp “Kỹ năng của chúng ta, tương lai của chúng ta” và “Kỹ năng lao động mang đến giá trị đích thực”...

Phát triển nhân lực có kỹ năng

Thế kỷ 21-theo nhận định của các chuyên gia, tổ chức quốc tế được gọi là kỷ nguyên kinh tế dựa vào kỹ năng. Vũ khí cạnh tranh quyết định ở thế kỷ này là kỹ năng của lực lượng lao động. Các doanh nghiệp luôn phải tìm mọi cách để có được nhân lực có kỹ năng nghề cao, nhất là trong bối cảnh thiếu hụt lao động kỹ năng cho phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19.

Ðến thời điểm này, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, khu vực thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và đang nổi lên như là điểm đến tiềm năng, điểm đến cho sự phân bổ lại dòng vốn đầu tư; có lợi thế cơ cấu dân số vàng với hơn 55 triệu lao động trong độ tuổi cần tận dụng tốt nhất...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng, Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng với 55 triệu lao động, nhưng “điểm nghẽn” lại chính là chất lượng nguồn nhân lực bởi tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,6%. Chỉ số kỹ năng và chất lượng đào tạo nghề tuy tăng ấn tượng nhưng vẫn ở mức 97/140 nước, còn ở khoảng cách xa so với các nước Ðông Bắc Á và ASEAN.

Tỷ lệ người lao động được đào tạo trình độ đại học trở lên nhưng lại làm những vị trí công việc chỉ yêu cầu trình độ cao đẳng trở xuống tăng nhanh trong 10 năm qua đã tăng từ 12% lên 25%... “Ðây là một trong những nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động của chúng ta vẫn rất thấp, dù tăng trưởng kinh tế khá cao trong 25 năm qua.

Chúng ta sẽ hết cơ hội, hay nói cách khác là “hết giờ” để tranh thủ thời cơ dân số vàng và bắt kịp với các nền kinh tế mới nổi trong khu vực nếu không tăng tốc phát triển nhân lực có kỹ năng, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”-Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

Tại buổi đối thoại “Sự tham gia của doanh nghiệp trong việc phát triển kỹ năng việc làm cho lao động trẻ”, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà Trần Thị Lan Anh khẳng định, trong bối cảnh thế giới ngày càng thay đổi nhanh chóng, nhất là về công nghệ. Lực lượng lao động trẻ cũng cần phải được nhanh chóng trang bị các kỹ năng mềm, kỹ năng chuyển đổi, kỹ năng số để có thể thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0.

Nghiên cứu “Ðánh giá thiếu hụt về kỹ năng nghề nghiệp và thực hành tốt của doanh nghiệp để nâng cao tay nghề cho thanh, thiếu niên yếu thế và dễ tổn thương” do VCCI và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) năm 2020 cũng chỉ ra rằng “Trên toàn cầu, kỹ năng mềm ngày càng trở nên giá trị và cần thiết hơn so với kỹ năng thuộc về kỹ thuật do ảnh hưởng của số hóa và tự động hóa”. Bà Trần Thị Lan Anh cho rằng, để tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới đây phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới. Mà muốn đổi mới, sáng tạo, thì phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhất là phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ...

Chú trọng giáo dục nghề nghiệp

Ðể có nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh bền vững, giáo dục, đào tạo nghề phải đi trước một bước để đón đầu, chuẩn bị lực lượng lao động cho xã hội, doanh nghiệp. Do vậy cần phải có cơ chế, chính sách và tạo điều kiện tốt nhất cho người sử dụng lao động và người lao động trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Ðiều này không chỉ chống thất nghiệp, mà còn là để chuyển đổi công việc, để nâng cao năng suất lao động và giữ chân người lao động...

Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (4/10) năm 2022 vừa qua, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển kỹ năng nghề, khi cho biết: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Ở những quốc gia có năng suất lao động cao, lực lượng lao động nhất thiết cần có kỹ năng nghề cao và thái độ, động lực làm việc tích cực.

Ngày nay, kỹ năng nghề được coi là “đơn vị tiền tệ” mới của thị trường lao động toàn cầu. Nâng cao kỹ năng của lao động là chìa khóa để đưa Việt Nam phát triển bền vững. Vấn đề nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động cũng được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xác định là vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu, là một trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của mọi quốc gia trên thế giới. Một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải vượt qua để trở thành quốc gia thịnh vượng là phải tạo ra năng suất lao động vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình...

Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành với quan điểm nhất quán coi phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nhà nước có chính sách từng bước phổ cập nghề cho thanh niên; ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp trong ngân sách giáo dục-đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương... nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn theo Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng.

Với tinh thần bắt kịp, đi cùng, vượt lên, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng cũng cho biết, Chiến lược giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Ðể đạt được các mục tiêu chiến lược, cần thực hiện đồng bộ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó, “Ðẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo” và “Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp” được xác định là các giải pháp đột phá.

Trong thực tiễn triển khai chiến lược, mục tiêu của hệ thống giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 là: Bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đất nước; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%...

Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2022 lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,6 triệu người, cao hơn 1,2 triệu người so cùng kỳ năm trước. 9 tháng năm 2022, lực lượng lao động đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên ước tính là 13,5 triệu người, chiếm 26,2%, tăng 0,1 điểm phần trăm so cùng kỳ năm trước.

Theo Nhật Anh/nhandan.vn

https://nhandan.vn/chuan-bi-tot-luc-luong-lao-dong-post720427.html