Thị trường lao động phục hồi trở lại
Hà Nội: Tăng nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động Phát triển thị trường lao động linh hoạt, đào tạo bài bản nhân lực chất lượng cao |
Người lao động tới tư vấn việc làm tại Hải Dương. Ảnh: H.A |
Số lượng lao động có việc làm tăng mạnh
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, 9 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với 6 tỉnh phía Bắc tổ chức 8 phiên giao dịch việc làm. Qua đó, 23.146 lao động đã được tuyển dụng.
Còn theo thống kê của tỉnh Bắc Giang, trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 27.519 lao động, trong đó việc làm trong nước 26.091 người (bằng 113% so với cùng kỳ năm 2021).
Không riêng hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, số lượng lao động có việc làm của toàn quốc 9 tháng đầu năm có sự tăng mạnh.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu người, tăng 255,2 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Sự phục hồi của thị trường lao động diễn ra ở tất cả các vùng kinh tế xã hội, đặc biệt ở hai vùng còn nhiều khó khăn là vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Quý III năm 2022, lao động có việc làm trong độ tuổi lao động ở hai vùng này lần lượt là 5,4 triệu người và 3,2 triệu người, tăng 461.000 người và 149,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước và cao hơn thời điểm trước đại dịch COVID-19 xuất hiện (năm 2019) là 276,5 nghìn người và 232,7 nghìn người.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, ba vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 là Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đã ghi nhận sự phục hồi mạnh trong quý III năm nay.
Số lao động có việc làm trong độ tuổi lao động của vùng Đông Nam Bộ trong quý III năm 2022 đạt 9,7 triệu người, tăng 1,6 triệu người (tương ứng 19,5%) so với cùng kỳ năm trước. Trong quý III năm 2022, số người có việc làm trong độ tuổi lao động của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 8,0 triệu người, tăng 883,2 nghìn người (tương ứng tăng 12,4%) so với cùng kỳ năm trước. Con số này ở vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 8,9 triệu người, tăng 578,5 nghìn người (tương ứng tăng 6,9%) so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập được nâng cao
Lao động có việc làm không chỉ tăng mạnh về số lượng mà thu nhập cũng được đảm bảo. Chị Nguyễn Thị Hương, công nhân một nhà máy may trên địa bàn Hải Dương cho biết, trong thời gian dịch COVID-19, nhà máy của chị chỉ hoạt động cầm chừng.
Một tuần chị làm việc 3 - 4 buổi, thu nhập rất thấp chỉ 3 triệu đồng. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, công việc của chị đều hơn, thậm chí những thời điểm phải tăng ca đảm bảo tiến độ. Thu nhập của chị tăng cao hơn hẳn, có những tháng cao điểm chị được trả hơn 10 triệu đồng.
Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III năm 2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 143.000 đồng so với quý trước và tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về thị trường lao động 9 tháng đầu năm, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, thị trường lao động 9 tháng đầu năm cũng có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu lao động một số ngành cần phải lưu ý. Tiêu biểu như lao động trong ngành khai khoáng, kho bãi có tỉ lệ việc làm tăng chậm. Trong khi đó, một số ngành có tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ.
Nhằm khắc phục hạn chế, phát huy các mặt tích cực của thị trường lao động, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp như Việt Nam cần tiếp tục thực hiện nhất quán phương châm “Sống chung an toàn với dịch COVID-19”.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động - việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từ đó cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Ở góc độ kinh tế vĩ mô cần chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế, chú trọng hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động.
Theo
/laodong.vnhttps://laodong.vn/cong-doan/thi-truong-lao-dong-phuc-hoi-tro-lai-1103207.ldo
Bình luận