EVFTA thúc đẩy tăng trưởng thị trường công nghệ Việt Nam
Ứng dụng công nghệ dự báo thị trường nông sản Nhiều ngành nghề tăng cường tuyển dụng |
Sử dụng dịch vụ bằng mã QR đang phát triển ở Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn |
Bất chấp tác động kinh tế và xã hội của COVID-19, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Châu Âu. Theo Sách Trắng năm 2021 của Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham), môi trường kinh tế vĩ mô ổn định của Việt Nam, với lạm phát ở mức một con số, tiếp tục làm tăng niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam.
Thêm vào đó, EVFTA mở đường cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục từ EU và được coi là một phương tiện để phục hồi kinh tế.
Là Hiệp định Thương mại tự do toàn diện đầu tiên giữa EU và một nước đang phát triển ở Châu Á, EVFTA đã tác động tích cực đến trao đổi thương mại và đầu tư. Mặc dù COVID-19 có thể đã ảnh hưởng đến các vùng xuất khẩu trọng điểm ở miền Nam Việt Nam, nhưng EVFTA đã giúp Việt Nam vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong ASEAN và được xếp hạng là một trong 10 nhà cung cấp hàng đầu của thị trường EU.
Giờ đây, thị trường công nghệ trong nước được dự báo tích cực với những cơ hội và thay đổi hấp dẫn nhờ các chính sách ưu tiên của chính phủ về FDI liên quan đến công nghệ. Điều này phù hợp với nền kinh tế số của Việt Nam và khát vọng công nghệ cao do EVFTA mở ra, cho thấy tiềm năng khám phá hợp tác công nghệ và tăng cường quan hệ đối tác giữa Việt Nam và EU.
Thực hiện các sáng kiến
Các cam kết của Việt Nam trong EVFTA ở lĩnh vực công nghệ bao gồm dịch vụ công, thương mại, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, dữ liệu và biến đổi khí hậu. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cải cách các khuôn khổ và chính sách pháp lý liên quan cũng như đưa ra các sáng kiến mới.
Năm 2020, Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình phục vụ mục tiêu kép là phát triển chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số, cũng như thành lập các doanh nghiệp số của Việt Nam với năng lực toàn cầu. Việc khởi động chương trình, trùng với thời điểm EVFTA có hiệu lực, giúp Việt Nam và EU xác định các cơ hội hợp tác và cùng phát triển.
Các quy định về đầu tư cũng đang được cải cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp EU và Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư công nghệ, thu lợi từ EVFTA và được hưởng các ưu đãi hơn nữa. Ví dụ, vào tháng 10.2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg về ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án đầu tư, được xác định theo tiêu chí công nghệ cao, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước… Những hình thức khuyến khích nhằm thu hút thêm vốn FDI, cải thiện môi trường kinh doanh và cuối cùng dẫn đến các khoản đầu tư chất lượng hơn.
Xu hướng đầu tư
Theo Chỉ số Môi trường Kinh doanh quý II/2022 do EuroCham và YouGov Việt Nam thực hiện, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Châu Âu có cái nhìn tích cực về triển vọng tăng trưởng xanh của Việt Nam. Cụ thể, 79% người tham gia khảo sát cho biết đánh giá của họ về tiềm năng phát triển xanh của Việt Nam được cải thiện so với quý đầu tiên và 90% cho rằng phát triển lĩnh vực xanh mạnh hơn sẽ thu hút vốn FDI tăng lên.
Nhìn từ các chính sách như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam năm 2012 và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đã có nhiều nỗ lực về nhận thức và nâng cao năng lực liên tục được thực hiện. EVFTA cho phép Việt Nam tiếp cận với các công nghệ hiện đại từ EU, từ đó thúc đẩy phát triển tăng trưởng xanh và năng lượng tái tạo, cũng như giúp các sản phẩm sản xuất trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU. Đổi lại, điều này sẽ góp phần vào việc đưa ra các ngành công nghiệp và sản phẩm mới, có thể thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong tương lai.
Thành phố Hồ Chí Minh gần đây đã ghi nhận vai trò của EVFTA, với các dự án về giao thông đô thị, nông nghiệp và giảm thiểu biến đổi khí hậu được thực hiện với sự hỗ trợ của EU. Thành phố đang tìm kiếm đầu tư vào gần 200 dự án trong 10 lĩnh vực chính, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU trong những năm gần đây có bước phát triển đáng kể nhờ EVFTA, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, EVFTA không phải là không có thách thức. Mặt hàng xuất khẩu chính của EU là các sản phẩm công nghệ cao, việc dỡ bỏ thuế quan sẽ mở đường cho việc cung cấp nhiều hơn các sản phẩm chất lượng cao của EU vào Việt Nam.
Là thị trường phát triển nhanh thứ hai Đông Nam Á với nền kinh tế kỹ số đang phát triển mạnh, Việt Nam hứa hẹn trở thành cường quốc kỹ thuật số trong khu vực. Theo bà Eunjung Han, để điều này trở thành hiện thực, Việt Nam phải tiếp tục cách tiếp cận thực dụng và cởi mở, bao gồm tăng cường cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho hợp tác, loại bỏ các rào cản để tạo môi trường kinh doanh minh bạch hơn, thuận lợi cho cả doanh nghiệp địa phương và các nhà đầu tư EU.
Theo Ngọc Vân/laodong.vn
https://laodong.vn/kinh-doanh/evfta-thuc-day-tang-truong-thi-truong-cong-nghe-viet-nam-1082820.ldo
Bình luận