Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao nhất trong 4 nước xuất khẩu gạo Giá gạo xuất khẩu ổn định, dự báo thương mại lúa gạo lạc quan
Gạo Việt đang chinh phục những thị trường "khó tính" bậc nhất
Chất lượng gạo Việt ngày càng được nâng cao nhờ những cánh đồng mẫu lớn, liên kết. Ảnh: T.Long

Gạo Việt "lên kệ" các siêu thị cao cấp ở nước ngoài

Chiều tối 30.6.2022, chia sẻ với PV Lao Động, ông Nguyễn Chánh Trung – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long, cho biết: Gạo A An của Tập đoàn Tân Long đã chính thức lên kệ tại các siêu thị Nhật Bản – một trong những thị trường được coi là “khó tính” bậc nhất thế giới.

Theo ông Nguyễn Chánh Trung, trước đó, Tập đoàn Tân Long đã xuất khẩu thành công lô hàng gạo ST25 mang thương hiệu A An vào Nhật sau khi vượt qua quy trình kiểm nghiệm vô cùng khắt khe đối với hơn 450 chỉ tiêu.

Tân Long đầu tư Nhà máy gạo Hạnh phúc với quy mô lớn nhất Châu Á, công suất chứa 240.000 tấn/vụ. Ảnh: T.Long
Để nâng tầm gạo Việt, Tân Long đầu tư Nhà máy gạo Hạnh phúc với quy mô lớn nhất Châu Á, công suất chứa 240.000 tấn/vụ. Ảnh: T.Long

Cũng theo ông Nguyễn Chánh Trung, Tân Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các dòng sản phẩm gạo chủ lực khác như ST24, ST24 Organic và Japonica sang Nhật. Sau Nhật Bản, Tân Long sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại các thị trường lớn tiềm năng khác như Mỹ hay EU,…

Bên cạnh thương hiệu gạo A An, thương hiệu “Cơm Việt Rice” cũng được Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu sang Châu Âu với đợt hàng gần 500 tấn gạo vừa được giao trong tháng 6.2022, vận chuyển bằng đường biển và sẽ tới Đức, Hà Lan và Pháp trong tháng 7.2022.

Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc tập đoàn Lộc Trời cho biết “Toàn bộ các lô hàng này đều được đảm bảo về chất lượng và được đóng gói trong bao bì riêng đã đăng ký mẫu mã quốc tế của tập đoàn. Đặc biệt, gạo “Cơm Việt Nam Rice” xuất khẩu sang Pháp sẽ được bày bán trong Carrefour – hệ thống đại siêu thị lớn nhất Châu Âu”.

Doanh nghiệp nỗ lực nâng tầm chất lượng gạo Việt

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu trong các nước xuất khẩu gạo truyền thống. Để đạt được thành quả này, là cả quá trình nỗ lực phấn đấu của cả ngành lúa gạo và các doanh nghiệp.

Để có đủ nguồn nguyên liệu sạch, các "anh cả" trong ngành lúa gạo như Tân Long, Lộc Trời, Dương Vũ, Trung An... đã bỏ không ít trí lực để nâng tầm chất lượng gạo Việt. Trong đó, Tân Long đã xác định liên kết cùng các Hợp tác xã tổ chức “Cánh đồng lớn - cánh đồng hạnh phúc”, xây dựng quy trình quản lý canh tác, sản xuất khép kín “từ cánh đồng đến bàn ăn”; sử dụng giống lúa thuần chủng từ kỹ sư Hồ Quang Cua - chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp và là “cha đẻ” của gạo ngon nhất thế giới ST25 cũng như những loại gạo hàng đầu thế giới hiện nay như ST24, Japonica,…;

"Tân Long luôn kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học; không dùng giống lúa biến đổi gen, không dư lượng thuốc trừ sâu, không chất tạo màu, tạo mùi, bảo quản, tẩy trắng. Nhiều sản phẩm gạo hữu cơ được canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt của USDA, JAS, EU..."- ông Nguyễn Chánh Trung nói.

Theo Vũ Long/laodong.vn

https://laodong.vn/kinh-te/gao-viet-dang-chinh-phuc-nhung-thi-truong-kho-tinh-bac-nhat-1062707.ldo