Giá thành cao là “rào cản” chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng xanh
Không để xảy ra tình trạng thiếu năng lượng, xăng, dầu Phát triển năng lượng sạch cần hoàn thiện khung pháp lý Dùng năng lượng sạch, xu thế tất yếu để phát triển giao thông bền vững |
Theo lộ trình, đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Tuy nhiên, giá thành cao vẫn đang là “rào cản” của việc chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh.
Tại Hội thảo quốc tế “Phát triển giao thông đường bộ sử dụng điện, hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh” do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng toàn cầu; vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược với quyết tâm cao và mục tiêu lớn của cộng đồng quốc tế.
Hà Nội đang nỗ lực trong việc đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng xanh. |
Tại COP 26, Việt Nam đã cùng 147 quốc gia cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ bằng nguồn lực trong nước cùng với hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển cả về tài chính và chuyển giao công nghệ theo các cơ chế của Thoả thuận Paris.
Việc triển khai cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước, là cơ hội để Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, là động lực thúc đẩy chuyển đổi toàn diện nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành GTVT nói riêng sang phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính.
Đáng chú ý, để từng bước hiện thực hoá cam kết tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT với những mục tiêu, lộ trình và nhiệm vụ cụ thể đối với từng lĩnh vực; trong đó GTVT đường bộ với việc phát triển phương tiện điện được xác định là trọng tâm.
Đây sẽ là cơ hội cho ngành GTVT tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang các loại năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi phương tiện của ngành GTVT, bên cạnh những cơ hội các đại biểu tham gia hội thảo cũng chỉ ra, hiện việc chuyển đổi còn nhiều khó khăn, thách thức, như: hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được việc chuyển đổi mạnh mẽ sang sử dụng điện.
Đặc biệt, những hạn chế về công nghệ phương tiện vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, do đó giá thành của xe ô tô điện còn rất cao, là rào cản lớn cho việc chuyển đổi đoàn xe và chi phí logistic ở Việt Nam; kinh phí đầu tư cho quá trình chuyển đổi cũng là một thách thức rất lớn cần phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, các tổ chức quốc tế; nhận thức của các đơn vị, doanh nghiệp về việc chuyển đổi phương tiện còn chưa thực sự đầy đủ…
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, phải sớm có biện pháp kéo giá phương tiện xuống, bởi giá phương tiện xanh hiện nay vẫn cao gấp 2 và 2,5 lần phương tiện diesel. Trong khi đó, hạn mức kinh phí địa phương và Chính phủ chỉ ở mức nhất định.
Bình luận