Phát triển xe điện, hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh: Mở ra nhiều cơ hội!
Xu thế tất yếu
Các nghiên cứu cho thấy, trên thế giới, ngành giao thông vận tải tiêu thụ trên 55% lượng nhiên liệu dầu mỏ và phát thải ra khoảng 25% tổng lượng CO2 toàn cầu. Trong đó, tỷ lệ này từ các phương tiện giao thông đường bộ chiếm tới 17%.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong lĩnh vực giao thông vận tải, xe điện được đánh giá có ưu thế hơn cả bởi loại phương tiện này không phát thải các chất gây ô nhiễm không khí, hiệu suất sử dụng năng lượng cao, dễ tích hợp các tính năng hỗ trợ lái xe hiện đại, xe tự lái.
Nhìn rộng ra các quốc gia trên thế giới có thể thấy, hiện thị trường xe điện đã có những bước nhảy vọt. Chẳng hạn, năm 2021 số lượng xe điện là 17 triệu xe, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2019.
Tại Hội thảo quốc tế “Phát triển giao thông đường bộ sử dụng điện, hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh” do Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức, ông Đào Công Quyết, đại diện cho Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam khẳng định, xe điện hóa là xu hướng chung trên toàn cầu.
Minh chứng cho điều này, nhìn từ sự phát triển của thị trường ô tô ở Việt Nam, ông Đào Công Quyết cho biết, từ năm 2015 đến nay, doanh số bán của toàn thị trường từng năm tăng dần. Theo thống kê 8 tháng đầu năm, thị trường cả nước đã bán ra hơn 236.000 xe.
Tại Hà Nội, nhiều phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng xanh đã được đưa vào khai thác, sử dụng và dành được nhiều thiện cảm của người dân. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Đồng quan điểm trên, Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, xu thế phát triển xe điện là xu thế tất yếu và Việt Nam đang đi theo đúng lộ trình đó.
Đáng chú ý, theo Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, xác định rõ thị trường và cơ hội tiềm năng trong tương lai, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ việc chuyển đổi đã được các cơ sở đào tạo xây dựng và triển khai.
Cụ thể, đối với các trường đại học, đặc biệt các trường đại học kỹ thuật hiện nay đã có các chương trình đào tạo liên quan đến ô tô điện và đang định hướng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng phương tiện dùng điện trong tương lai. “Đối với nguồn nhân lực, tôi tin rằng đến năm 2030, đội ngũ kỹ sư riêng về ô tô khi ra trường chắc chắn đủ khả năng để đáp ứng được việc chuyển đổi sang sử dụng phương tiện dùng điện. Tuy nhiên, phát triển phương tiện dùng điện cần đến nhiều nguồn lực khác, không chỉ riêng con người, mà phải gồm cả các nguồn lực đến từ tất cả các ngành nghề khác nhau của xã hội, chứ không phải chỉ mỗi ngành giao thông vận tải”, GS.TS Lê Anh Tuấn chia sẻ.
Nhiều ưu đãi để thu hút đầu tư
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, hiện nay, trên thế giới, năng lượng điện đã được ứng dụng rộng rãi đối với phương tiện giao thông đường bộ. Các nước đang phát triển như Việt Nam, do xuất phát điểm thấp, lộ trình chuyển đổi năng lượng giai đoạn đầu thường chậm hơn khoảng 5-10 năm và cần tăng tốc ở giai đoạn sau để bắt kịp mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi phương tiện của ngành giao thông vận tải, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho rằng, bên cạnh những cơ hội cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.
Chẳng hạn, hiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được việc chuyển đổi mạnh mẽ sang sử dụng điện; những hạn chế về công nghệ phương tiện vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, do đó giá thành của xe ô tô điện còn rất cao, là rào cản lớn cho việc chuyển đổi đoàn xe và chi phí logistic ở Việt Nam; kinh phí đầu tư cho quá trình chuyển đổi cũng là một thách thức rất lớn cần phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, các tổ chức quốc tế; nhận thức của các đơn vị, doanh nghiệp về việc chuyển đổi phương tiện còn chưa thực sự đầy đủ…
Thực tế, giao thông vận tải là một trong những ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí nhà kính lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Do đó, ở góc độ nào đó có thể thấy, các chính sách hỗ trợ giúp chuyển đổi sớm năng lượng xanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng sẽ đồng thời được các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành. Đây là “chất xúc tác” giúp thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Hà Nội đang nỗ lực trong việc đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng xanh. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Theo tìm hiểu, gần đây, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thực hiện theo các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Bộ Tài chính cũng đã trình, ban hành những văn bản trong đó giảm đáng kể mức tiêu thụ đặc biệt của ô tô chạy pin so với xe chạy xăng, dầu. Cụ thể, từ 1/3/2022 - 28/2/2027, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe chạy pin, tuỳ theo chỗ ngồi sẽ là 1 - 2 - 3% và từ năm 2027 trở đi sẽ là 4 - 7 - 11%, tương ứng với số chỗ ngồi khác nhau. Trong khi đó, xe xăng sẽ là 15 - 150%. Về lệ phí trước bạ, xe điện cũng có ưu đãi rất cao, theo đề xuất thì quy định lệ phí trước bạ đối với xe chạy pin giảm 100% đối với 3 năm đầu và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo…
Rõ ràng, xu thế chuyển đổi năng lượng xanh là tất yếu và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều về chính sách thuế, phí. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp sản xuất pin cũng sẽ được Nhà nước áp dụng theo chính sách của công nghệ cao (hiện đang được ưu đãi cao nhất về mức thuế). Đối với các trạm sạc, nếu đầu tư tại các địa bàn được ưu đãi cũng sẽ nhận được nhiều chính sách về đầu tư xây dựng trạm sạc... đây sẽ là điều kiện lý tưởng để các nhà đầu tư tham gia khai phá mảng miếng nhiều tiềm năng này.
Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của Ngành giao thông vận tải”. Theo đó, lộ trình đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch để sử dụng trong nước. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. |
Bình luận