Sơn Tây có thêm mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” Chung cư mini: Đi cũng dở, ở thì lo

Người dân nhiều nỗi bất an

Bàng hoàng, lo lắng sau khi đọc những thông tin về vụ cháy chung cư mini khiến hàng chục người tử vong, vợ chồng anh Ngô Thế Anh (trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vội bàn nhau đi mua mặt nạ chống khói độc và thang dây thoát hiểm. Dù không sinh sống ở chung cư mini nhưng vợ chồng anh Thế Anh vẫn rất lo lắng.

Anh Thế Anh kể, gia đình anh gồm 5 thành viên hiện đang sống trong một căn nhà cao 5 tầng nằm sâu trong ngõ nhỏ. Do diện tích chật hẹp lại sợ trộm cắp nên các ban công, sân thượng anh đều lắp khung sắt bịt kín, không làm lối thoát hiểm, chẳng may xảy ra hỏa hoạn sẽ rất dễ gặp nạn. Vì vậy, ngoài việc cắt khung sắt làm cửa phụ, anh chị đã mua thêm bốn chiếc mặt nạ, thang dây để phòng thân.

“Sau vụ cháy ở chung cư mini phố Khương Hạ, chúng tôi rất lo sợ, tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào, nếu không chuẩn bị đầy đủ và kỹ lưỡng có thể dẫn đến những hậu quả rất nặng nề”, anh Thế Anh nói.

Thị trường thiết bị phòng cháy, chữa cháy, đồ bảo hộ “cháy” hàng
Người dân tăng cường mua sắm các thiết bị phòng cháy, cứu hộ để ứng phó nếu xảy ra cháy.

Anh Đinh Thành Luân (trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bản thân anh hiện cũng đang thuê trọ trên tầng 4 của một tòa chung cư, ngay khi nghe tin cháy tại Khương Hạ anh đã khẩn trương đi mua các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy như bình xịt, thang dây,... để phòng trường hợp xấu.

“Trước đây tôi không để ý, sau sự việc cháy chung cư tại Khương Hạ vừa rồi cũng thấy sợ nên tự đi mua đồ phòng cháy chữa cháy và cũng khuyên mọi người trong tòa nhà sắm sửa đầy đủ đề phòng bất trắc”, anh Luân chia sẻ.

Tương tự, chị Lê Thúy Mai (hiện đang thuê trọ tại một chung cư ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ngay khi nghe những thông tin về vụ cháy tại Khương Hạ là cháy chung cư, chị đã chột dạ khi thấy bản thân mình và mọi người trong tòa nhà cũng chưa có sự chuẩn bị tốt để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. Vì vậy, sau đó chị đã yêu cầu chủ nhà sắm cho mỗi phòng một bình chữa cháy thay vì chỉ trang bị dưới tầng để xe như trước.

Cũng nhận thấy tầm quan trọng của các thiết bị phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ,... nhiều người dân trên địa bàn Hà Nội đã tìm kiếm, mua sắm cho mình những vật dụng cần thiết.

Trang thiết bị phòng cháy chữa cháy tăng đột biến

Qua khảo sát, lượng khách hàng tới các cửa hàng đồ bảo hộ, thiết bị phòng cháy, chữa cháy trên nhiều tuyến phố như Lê Duẩn, Yết Kiêu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển,... đã tăng đột biến so với trước. Chị Minh Khanh, chủ cửa hàng trang thiết bị bảo hộ lao động và phòng cháy chữa cháy tại phố Yết Kiêu cho biết, từ mấy ngày nay, khi nhu cầu tăng cao, giá các loại thiết bị phòng cháy chữa cháy cũng có nhiều thay đổi.

Cụ thể, giá thang dây thoát hiểm trước đây chỉ 70.000 - 80.000 đồng/m nay đã tăng lên 110.000 - 120.000 đồng/m và thang dài nhất cũng chỉ 20m; mặt nạ chống độc cũng tăng 30.000 - 50.000 đồng lên 180.000 - 250.000 đồng/chiếc tùy loại; bình cứu hoả Việt Nam và Trung Quốc đều tăng từ 30.000 - 40.000 đồng lên 190.000 - 380.000 đồng/bình, có loại trên 400.000 đồng/bình.

“Thang dây thoát hiểm được nhiều người hỏi mua nên mấy hôm nay bên sản xuất không kịp giao hàng. Nhu cầu tăng cao đột biến nên giá cũng tăng theo vì liên quan đến vật liệu sản xuất. Đợt này nhiều người mua thêm cả băng dính để dán các khe cửa phòng chống khói, nhất là mặt nạ chống độc cũng được hỏi mua nhiều đến nỗi hôm nay không còn hàng bán”, chị Khanh cho biết.

Thị trường thiết bị phòng cháy, chữa cháy, đồ bảo hộ “cháy” hàng
Các sản phẩm phòng cháy, chữa cháy, đồ bảo hộ, thoát nạn,... “cháy hàng”.

Tương tự như ở phố Yết Kiêu, tại phố Khuất Duy Tiến và Nguyễn Xiển thuộc quân Thanh Xuân, Hà Nội, từ nhiều ngày nay luôn tấp nập khách đến hỏi mua thiết bị phòng cháy chữa cháy. Các thiết bị được người dân hỏi mua vẫn tập trung vào bình cứu hỏa, thang dây thoát hiểm và mặt nạ phòng độc. Nhiều người còn tìm mua thêm quần áo, ủng, găng tay chống cháy khiến một số thiết bị đang ở tình trạng “cháy hàng”, phải chờ thêm vài ngày nữa mới có.

Trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada,... và mạng xã hội như Facebook, Zalo,... các mặt hàng này cũng được rao bán nhộn nhịp, nhất là các hội nhóm của các khu chung cư, khu tập thể. Qua khảo sát, mặt hàng thang dây thoát hiểm bằng dây dù có giá từ 85.000 - 150.000 đồng/m, loại thang bằng cáp lõi thép có giá hơn 200.000 - đồng/m với các độ dài 5m, 10m, 15m, 20m,...

Đi kèm với thang dây, nhiều người cũng tìm mua dây đai an toàn, bộ thả dây chậm,... Mặt hàng bình chữa cháy thì có nhiều loại với nhiều nguồn gốc và mức giá khác nhau. Các sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, Singapore hoặc có nguồn gốc từ châu Âu thường có giá cao hơn so với có xuất xứ Trung Quốc. Bình chữa cháy có hai loại đang phổ biến là dạng bột và dạng khí CO2. Dạng bột có giá từ 150.000 - 300.000 đồng/bình cho loại từ 1 đến 8kg; dạng khí CO2 có giá 400.000 - 500.000 đồng/bình loại từ 3 đến 5kg.

Các loại bình chữa cháy loại mini (nhỏ nhất) có thể dùng cho bếp, để trong xe ô tô có giá vài chục nghìn đồng/bình. Các loại mặt nạ chống khói độc trên thị trường cũng có nhiều mức giá khác nhau, từ 90.000 - 500.000 đồng/chiếc, thậm chí có loại từ một đến 2 triệu đồng/cái; quần áo chống cháy có giá dao động khoảng 1 triệu đồng/bộ,...

Thị trường thiết bị phòng cháy, chữa cháy, đồ bảo hộ “cháy” hàng
Người dân nên tìm mua thiết bị tại các cửa hàng, đại lý, nhà phân phối có uy tín trên thị trường.

Người dân nên mua những sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ

Theo cơ quan chức năng, việc trang bị các sản phẩm phòng cháy, chữa cháy, bảo hộ là quan trọng và cần thiết, nhất là với những người sống ở nhà cao tầng, khu chung cư. Mỗi gia đình nên có bình chữa cháy, thang dây, mặt nạ chống khói độc,...

Tuy nhiên, người dân cần mua tại các cửa hàng, doanh nghiệp uy tín, có chế độ bảo hành, đầy đủ giấy tờ kiểm định chất lượng, không nên mua các sản phẩm trôi nổi, chất lượng kém. Sau khi mua các thiết bị này, người dân cũng cần học cách sử dụng để có thể sử dụng nhanh và đúng trong các trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn tính mạng bản thân và mọi người chung quanh.

Thêm nữa, mỗi sản phẩm bình chữa cháy đều có ưu và nhược điểm riêng. Có loại phù hợp với môi trường này nhưng hạn chế với môi trường khác. Do vậy, người dân khi mua bình chữa cháy cần tìm hiểu kỹ các thông số, đặc biệt không nên ham giá rẻ mà mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc. Bởi khi đưa vào sử dụng có thể không đảm bảo hiệu quả chữa cháy, thậm chí còn gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người sử dụng.

Theo khuyến cáo, bình chữa cháy nên được để ở những nơi khô, dễ quan sát, không cho trẻ em nghịch tránh việc xì khí làm giảm áp lực trong bình, dẫn đến hư hỏng và khi cần không sử dụng được. Nếu để bình chữa cháy phía bên ngoài hành lang, nơi có ánh nắng cần phải có mái che hoặc hộp kỹ thuật. Với các nhà ở cao tầng hoặc nhiều phòng, mỗi tầng, mỗi phòng nên có ít nhất một bình cứu hỏa xách tay.

Trước biến động của thị trường các sản phẩm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn và thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đang tăng cường nắm bắt tình hình địa bàn, rà soát, xác minh thông tin về dấu hiệu vi phạm của tổ chức, cá nhân hoặc địa điểm kinh doanh đối với các sản phẩm trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy như các loại bình xịt cứu hỏa, mặt nạ chống khói, thang dây,... không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá, bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua kiểm tra, nếu phát hiện các hành vi vi phạm sẽ phối hợp lực lượng chức năng trên địa bàn xử lý nghiêm.