Cơ hội xúc tiến thương mại du lịch cho Thủ đô Tăng cường hợp tác xúc tiến thương mại giữa Hà Nội và các địa phương

Quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã khai mạc Triển lãm chuyên đề các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngành gốm sứ - sơn mài năm 2023.

Với quy mô khoảng 500m2, triển lãm giới thiệu hơn 400 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ gồm sản phẩm gốm sứ - sơn mài tiêu biểu, đặc sắc, có giá trị thẩm mỹ cao được tạo ra từ đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, thợ giỏi Thủ đô.

Hà Nội: Đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thương mại
Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm.

Đến với triển lãm, các nghệ nhân, cá nhân có cơ hội học tập, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm khi kết nối với cộng đồng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu, đưa các thiết kế vào sản xuất thực tế, đáp ứng yêu cầu thị trường, nhất là với thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, được trải nghiệm quy trình sản xuất sản phẩm, tìm hiểu lịch sử về nghề gốm sứ - sơn mài; tham gia các hoạt động quảng bá kết nối giao thương các sản phẩm gốm sứ - sơn mài và các sản phẩm tiêu biểu khác.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, triển lãm chuyên đề là nơi kết nối, quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP trong nước và quốc tế. Đồng thời bảo tồn, giữ gìn giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, chuyển tải, quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng người tiêu dùng trên thị trường.

“Thông qua hoạt động này ngành Công Thương Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp, làng nghề tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả sau dịch Covid-19, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi, phát triển nền kinh tế”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Hà Nội: Đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thương mại
Các đại biểu thăm quan triển lãm.

Để triển lãm được thành công, Sở Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các chủ thể OCOP tham gia phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Qua đó giúp người dân, du khách hiểu rõ về giá trị lịch sử, văn hóa, tính nghệ thuật, giá trị… của mỗi sản phẩm qua hình thức trực tuyến và trực tiếp để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đối với thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhân dịp này, Sở Công Thương Hà Nội cũng giới thiệu với Sở Công Thương Viêng Chăn (Lào) các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đưa đi tham quan, khảo sát thực tế tại một số cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp tại Hà Nội.

Triển lãm do Sở Công Thương Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội tổ chức. Mở cửa miễn phí cho khách tham quan từ 9 - 18 giờ hằng ngày từ nay đến hết tháng 7/2023 tại Điểm trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP Thủ đô (số 176 Quang Trung, quận Hà Đông).

Chú trọng đổi mới, xúc tiến sản phẩm nông sản

Cũng theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, thời gian qua, ngành Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm tại các sự kiện… Qua đó, đã có trên 100 mã sản phẩm mới được các kênh phân phối lớn của Hà Nội kết nối, tiêu thụ.

Trong năm 2023, Sở nhận được đề nghị của 12 tỉnh, thành phố về phối hợp, hỗ trợ cung cấp danh sách trên 2.000 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP đến hệ thống phân phối, siêu thị, đơn vị quản lý, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Hà Nội…

Hà Nội: Đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thương mại
Nhiều sản phẩm nông sản được các kênh phân phối lớn của Hà Nội kết nối, tiêu thụ.

Thời gian tới, ngành Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội theo nhiều hình thức phù hợp như: Tổ chức các buổi trao đổi, làm việc giữa các nhà cung cấp và đơn vị phân phối; thông tin, mời các tỉnh tham gia các sự kiện xúc tiến, quảng bá sản phẩm do thành phố Hà Nội tổ chức…

“Với dân số 10,7 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc, Hà Nội là thị trường lớn về tiêu thụ sản phẩm trái cây, nông sản. Người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng sản phẩm đặc sản, rõ nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu, sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường. Đây sẽ là cơ hội rất lớn cho nông sản, trái cây các địa phương”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Còn theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA), thời gian qua, Trung tâm cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối đối tác thông qua các chương trình Tuần hàng, Festival; quảng bá, xúc tiến phục hồi du lịch thông qua Lễ hội du lịch, lễ hội ẩm thực…; đẩy mạnh liên kết, hợp tác, kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố trong cả nước, với các tổ chức, đối tác quốc tế.

Đến nay, Trung tâm đã trở thành đầu mối giao thương, kết nối trực tuyến với doanh nghiệp Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Anh, Singapore, Ấn Độ, Maroc… trong lĩnh vực nông sản, giày dép, dệt may. Đặc biệt, HPA đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại với Chủ đề “Hà Nội - Viêng Chăn, Hợp tác cùng phát triển”, Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch “Đối thoại Hà Nội - Hàn Quốc 2022”.

Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương khẳng định, các hoạt động xúc tiến đã góp phần tăng cường hoạt động liên kết vùng, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố. Hà Nội và các tỉnh, thành phố, tìm đầu ra bền vững cho hàng Việt tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố trong công tác xúc tiến; tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, chú trọng đổi mới, liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành, cơ quan xúc tiến trong và ngoài nước để tổ chức, phối hợp tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt Nam tới người tiêu dùng…

Về phía đơn vị sản xuất, ông Hoàng Văn Khảm, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ, rau, củ, quả của hợp tác xã chủ yếu cung ứng vào hai hệ thống siêu thị bán lẻ Big C và Winmart, các bệnh viện, trường học lớn của Hà Nội.

“Nhờ sự kết nối, quảng bá của các sở, ngành mà đơn vị đã cung ứng được sản phẩm nông sản an toàn vào các hệ thống siêu thị lớn. Thương hiệu nông sản của đơn vị ngày càng được khẳng định, được người tiêu dùng đón nhận”, ông Khảm nói.