Hà Nội tôn vinh 33 sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2022
Điểm sáng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp Chìa khoá thu hút và giữ chân người lao động tại các khu công nghiệp Bắc Ninh Mục tiêu đến năm 2030, GDP bình quân đầu người Việt Nam đạt 7.500 USD |
Tối 13/12 vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Lễ tôn vinh và trao danh hiệu cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực và TOP 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực thành Hà Nội năm 2022. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đến dự và trao giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp.
Phát biểu tại Lễ tôn vinh, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, năm 2022, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực theo Đề án Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025. Tuy còn gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp cũng đã nhiệt tình tham gia chương trình. Đã có 29 doanh nghiệp với tổng số 42 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình xét chọn sản phẩm côngnghiệp chủ lực.
Các đơn vị có sản phẩm công nghiệp chủ lực được thành phố Hà Nội tôn vinh năm 2022. (Ảnh: Nguyễn Hạnh) |
Kết quả, có 33 sản phẩm của 25 doanh nghiệp được UBND Thành phố công nhận đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2022. Trong đó, có 10 sản phẩm của 10 doanh nghiệp có số điểm cao nhất được UBND Thành phố công nhận TOP 10 sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2022.
Sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội được công nhận năm 2022 gồm: 6 sản phẩm ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo (chiếm 18,2%); 4 sản phẩm ngành công nghiệp điện, điện tử (chiếm 12,1%); 5 sản phẩm ngành công nghệ thông tin (chiếm 15,2%); 8 sản phẩm ngành công nghiệp dệt may, da giầy (chiếm 24,2%); 4 sản phẩm ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm(chiếm 12,1%); 3 sản phẩm ngành công nghiệp hóa chất, cao su, nhựa, dược phẩm (chiếm 9,1%); 2 sản phẩm ngành công nghiệp vật liệu xây dựng (chiếm 6,1%) và 1 sản phẩm ngành thủ công mỹ nghệ (chiếm 3%).
Các doanh nghiệp tham gia chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực cũng đã nỗ lực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, đặc biệt là các thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao mức độ tự động hóa, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng mô hình nhà máy thông minh (Smart Factory).
Vì vậy, những sản phẩm được công nhận đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội bảo đảm tính cạnh tranh cao, phát huy được giá trị truyền thống, định hướng cho các sản phẩm cùng loại; góp phần khẳng định uy tín sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, doanh thu 33 sản phẩm của 25 doanh nghiệp năm nay khoảng 76,8 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu khoảng 550 triệu USD. Trong đó, có 4 doanh nghiệp có doanh thu năm 2022 đạt trên 1.000 tỉ đồng; 2 doanh nghiệp trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam năm 2022; 11 doanh nghiệp tham gia chương trình lần đầu với 15 sản phẩm mới, tổng doanh thu 9.400 tỉ đồng.
Như vậy, sau 5 năm thực hiện đề án (2018-2022), UBND Thành phố đã công nhận tổng số 196 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực ngày càng thể hiện và khẳng định được vai trò tiên phong, trụ đỡ và là động lực cho phát triển công nghiệp Thủ đô…
“Thành phố cam kết luôn đồng hành cùng phát triển, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, ưu đãi về vốn, cải cách thủ tục hành chính… để các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực có cơ hội phát triển và đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của Thành phố”, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Bình luận