Hai Bộ trưởng nêu giải pháp xử lý tình trạng “không mưa cũng ngập” tại đô thị
Đại biểu Quốc hội đề nghị đảm bảo ổn định lãi suất cho vay Đại biểu Quốc hội hiến kế để niềm vui tăng lương trọn vẹn hơn |
Chiều nay (3/11), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) nêu vấn đề: Phát triển đô thị là một nhiệm vụ rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay thực trạng ngập úng đô thị xảy ra ở khắp nơi, từ núi cao như Lào Cai, Đà Lạt tới ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ hay ở giữa như Hà Nội mưa là lụt và không mưa cũng ngập.
“Vậy, với trách nhiệm quản lý ngành xây dựng, trách nhiệm quản lý của ngành trong vấn đề quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị, xin Bộ trưởng cho biết chủ trương, giải pháp nào để giải quyết tình trạng trên để phục vụ cho việc xây dựng, phát triển đô thị đạt được những kết quả tốt hơn trong thời gian tới”, đại biểu hỏi.
Cùng quan tâm đến úng ngập tại đô thị, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đoàn Đồng Nai) nói: “Xin Bộ trưởng cho biết tình trạng ngập úng đô thị tại các thành phố lớn hiện nay xảy ra là do đâu? Trách nhiệm của Bộ trưởng, giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?”.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn. (Ảnh: Quốc hội) |
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong thời gian qua, tình trạng ngập úng ở các đô thị, nhất là đô thị lớn, mặc dù được các địa phương quan tâm nhưng chưa được giải quyết căn bản và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có 5 nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất là do tác động của điều kiện tự nhiên biến đổi khí hậu.
Thứ hai là do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng dẫn đến công tác xây dựng lấp các hồ ao, kênh rạch, diện tích bề mặt bê tông hóa ngày càng tăng, dẫn đến khả năng chứa nước cũng như tiêu thoát nước tự nhiên giảm xuống.
Thứ ba là do công tác quy hoạch chưa đảm bảo mục tiêu, yêu cầu, chưa đáp ứng tầm nhìn, chưa đáp ứng điều kiện phát triển của đô thị ngày càng nhanh chóng.
Thứ tư là các dự án triển khai theo quy hoạch thoát nước được phê duyệt còn hạn chế.
Thứ năm là nguồn lực đầu tư để đảm bảo đáp ứng hạ tầng đô thị, trong đó có giao thông, có thoát nước đô thị cũng chưa đảm bảo theo yêu cầu.
Các đại biểu họp phiên chất vấn. (Ảnh: Quốc hội) |
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nâng cao chất lượng các công tác quy hoạch và h rà soát, điều chỉnh các quy hoạch cũng như hướng dẫn các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch không còn phù hợp, không còn khả thi. Trong các quy hoạch phải có tính tới yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng và kết hợp với quy hoạch thủy lợi vùng lân cận để hoàn thiện hệ thống, hoàn thiện quy hoạch, cùng với đó là đầu tư hệ thống hạ tầng cho đô thị.
Đồng thời, xác định cao nền để khống chế toàn đô thị, phải quản lý từ công tác quy hoạch, cấp phép, rồi thanh tra, kiểm tra việc quy hoạch quản lý cao nền đô thị.
Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình thoát nước theo quy hoạch cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để thực hiện quy hoạch theo đúng quy hoạch.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng tham gia giải trình tại phiên chất vấn. (Ảnh: Quốc hội) |
Tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý đường quốc lộ và đường ngoài đô thị, còn đường trong đô thị thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Bộ Giao thông vận tải phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc tăng cường quản lý để đảm bảo kết nối giữa hạ tầng các khu đô thị với hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, có những nguyên nhân dẫn đến nhiều khu vực bị ngập úng. Hiện nay, việc ngập úng xảy ra ở 2 khu vực, một là đối với những khu đô thị cũ trước đây chúng ta xây dựng thường là cốt thấp. Sau này khi sửa chữa các khu đô thị và đặc biệt là sửa chữa đường thì thường sử dụng các phương pháp thi công cũ, đó là tiếp tục trải thảm lên để đảm bảo cho chất lượng của đường, nên đường cốt của đường trong các khu đô thị cao hơn các cốt nhà và dẫn đến việc ngập úng.
Thứ hai là hiện nay hệ thống cống rãnh của các khu đô thị cũ trước đây không được đồng bộ, thường nhỏ cho nên không đáp ứng được yêu cầu.
“Vừa qua tôi được biết, Bộ Xây dựng đã có những chỉ đạo để áp dụng các phương thức mới, cào bóc và tái sinh, tức là đường cũ hỏng thì bóc ra sau đó mới tái chế và trải xuống thì không làm tăng cốt đường, thay vì trước đây cứ đường hỏng lại tiếp tục trải lên, dẫn đến cốt đường cao hơn cốt nhà.
Còn những khu vực đô thị mới, chủ yếu ngập úng là do kết nối giữa hạ tầng khu đô thị với hạ tầng giao thông và các hạ tầng kỹ thuật khác không được đồng bộ, ví dụ như khu đô thị xây dựng ở những khu vực mà hệ thống đường sá chưa có cầu cống. Ngoài ra, trong quá trình quản lý vận hành cũng không quan tâm nhiều đến việc xử lý những vấn đề vướng mắc về hệ thống giao thông, cống rãnh thoát nước ở các khu đô thị.
“Về giải pháp, chúng tôi thấy cần phải quản lý thật chặt quy hoạch, giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông để đảm bảo sự đồng bộ và đặc biệt là cốt xây dựng ở các khu đô thị mới thì phải được kiểm soát rất chặt chẽ, không để câu chuyện cốt trong các khu đô thị cao hơn cốt đường”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời.
Bình luận