Lịch đấu thầu vàng miếng vào ngày 22/4 Lịch mới đấu thầu vàng miếng SJC vào sáng 23/4
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hủy đấu thầu vàng miếng
Phiên đấu thầu vàng miếng sáng nay (25/4) bị hủy do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Ngân hàng Nhà nước vừa gửi đi thông báo hủy thầu vàng miếng đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. Theo thông báo lý do hủy phiên thầu sáng 25/4 là do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Đây là lần thứ hai Ngân hàng Nhà nước hủy đấu thầu vàng miếng. Trước đó, ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước đã hủy lịch đấu thầu vàng miếng lần thứ nhất do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định.

Phiên đấu thầu này đã dời sang sáng ngày 23/4. Tại phiên thầu này có 2 thành viên trúng thầu. Tổng khối lượng trúng thầu là 34 lô (tương đương 3.400 lượng vàng). Giá trúng thầu cao nhất: 81,33 triệu đồng/lượng. Giá trúng thầu thấp nhất: 81,32 triệu đồng/lượng.

Các chuyên gia nhận định, 3.400 lượng vàng được đấu thầu thành công chưa đủ để bình ổn thị trường vàng trong nước. Ngân hàng Nhà nước cần tổ chức thêm 2-3 phiên đấu thầu nữa để bán được 10.000 - 15.000 lượng, mới đủ tác động đến thị trường vàng, giúp co hẹp sự chênh lệch của giá vàng trong nước và thế giới.

Nguyên nhân khiến kết quả đấu thầu không cao theo chuyên gia là do các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp mua vào theo nhu cầu đã bán ra trước đó.

“Ví dụ, tuần qua họ đã bán khoảng 1.000 lượng vàng thì họ tham gia đấu thầu để mua lại số vàng dựa vào số lượng đã bán ra trước đó. Ngoài ra, điều kiện đấu thầu hiện nay quy định rằng lượng đặt mua tối thiểu phải là 14 lô, tương đương 1.400 lượng đang khiến nhiều doanh nghiệp e dè vì nhu cầu của họ chưa đến mức này. Ví dụ, họ mới bán ra khoảng 200 lượng mà phải mua vào 1.400 lượng là vượt quá nhu cầu”, chuyên gia Trần Duy Phương phân tích.

Theo ông Phương, thời điểm hiện tại, khi giá vàng vẫn liên tục biến động khó lường, không có doanh nghiệp, tổ chức tín dụng nào muốn đầu cơ vào vàng miếng. Họ chỉ có nhu cầu mua vào một lượng vừa đủ với số vàng đã bán hoặc là dư đôi chút.

“Chẳng hạn họ đang âm 1.000 lượng vàng thì họ sẽ mua vào khoảng 1.200 - 1.400 lượng. Nhưng họ chỉ âm khoảng 500 lượng mà bắt họ phải mua vào 1.400 lượng thì rất là khó. Nếu Ngân hàng Nhà nước sửa điều kiện, cho mua vàng ở mức chỉ 400 - 500 lượng chẳng hạn thì chắc chắn sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia hơn”, ông Phương nói.