Hàn Quốc gia hạn thêm thời gian cư trú cho lao động thời vụ
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH)) cho biết, mới đây, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã ban hành lệnh thông báo điều chỉnh một số nội dung của “Quy tắc thi hành Luật quản lý xuất nhập cảnh”.
Theo đó, Hàn Quốc cho phép người lao động thời vụ E8 được gia hạn thời gian cư trú, tổng thời gian cư trú không vượt quá 8 tháng tính từ ngày nhập cảnh. Nội dung sửa đổi này được áp dụng từ ngày 30/6/2023 đối với cả lao động thời vụ đang làm việc tại Hàn Quốc.
Trên cơ sở Nghị quyết số 59/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện thí điểm đưa người lao động Việt Nam đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước trong thời hạn 5 năm, từ ngày 1/1/2022, Bộ LĐTBXH đã ban hành hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.
Theo đó, trên cơ sở quan hệ hợp tác giữa địa phương Việt Nam với địa phương Hàn Quốc, Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc cơ quan được ủy quyền trao đổi và ký kết Thỏa thuận hợp tác về đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.
Đây là chương trình hợp tác giữa địa phương Việt Nam và địa phương Hàn Quốc theo hình thức phi lợi nhuận nên không giao cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo chương trình này.
Ảnh minh họa |
Hình thức lao động thời vụ tại Hàn Quốc áp dụng đối với người lao động trong độ tuổi từ 30-55 tuổi, là công dân cư trú dài hạn tại địa phương ký Thỏa thuận; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không có tiền án và không thuộc diện cấm không được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật; có đủ sức khỏe để đi làm việc ở nước ngoài; đang làm việc trong lĩnh vực ngành nông nghiệp, ngư nghiệp…
Theo chương trình này, người lao động được trả lương theo mức lương tối thiểu theo quy định hàng năm của Hàn Quốc (năm 2023 mức lương là 2.010.580 KRW/tháng).
Người lao động được hưởng các chế độ về thời gian làm việc, nghỉ ngơi; điều kiện làm việc, ăn , ở, sinh hoạt, bảo hiểm, chi phí khám chữa bệnh theo quy định của Hàn Quốc và được địa phương Hàn Quốc hỗ trợ một phần tiền mua vé máy bay khứ hồi...
Người lao động có trách nhiệm tuân thủ hướng dẫn của địa phương đưa đi và các quy định luật pháp nước sở tại đặc biệt về nước ngay sau khi hoàn thành hợp đồng lao động ở nước ngoài.
Để tham gia và tìm hiểu về chương trình, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động chỉ liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi cư trú, và không đăng ký tham gia với bất kỳ tổ chức cá nhân môi giới.
Theo Bộ LĐTBXH, Hàn Quốc hiện trở thành một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều lao động Việt Nam sang làm việc.
Những năm gần đây, do già hóa dân số, Hàn Quốc ngày càng thiếu hụt nhân lực, nhất là trong các ngành công nghiệp sản xuất chế tạo, đóng tàu, công nghệ thông tin, nông nghiệp chăn nuôi, thu hoạch rau quả, thủy sản đánh bắt cá, du lịch, dịch vụ bán lẻ, điều dưỡng, giúp việc nhà.
Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực điều chỉnh chính sách để thu hút nhiều nhân lực nước ngoài, như tăng hạn ngạch theo Chương trình EPS, kéo dài thời gian làm việc đối với lao động nông nghiệp thời vụ, mở rộng tiếp nhận nhân lực trong ngành đóng tàu với các điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động.
Đối với người lao động Việt Nam, Hàn Quốc là thị trường có thu nhập cao, gần gũi về văn hóa nên thu hút nhiều lao động lựa chọn sang làm việc.
Bình luận