Hiệp định RCEP mở ra cơ hội xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản
Hàng hoá Việt Nam tiếp tục có cơ hội khẳng định vị thế tại thị trường Nhật Bản Gần 4.000 tấn vải thiều sớm Bắc Giang được xuất khẩu sang thị trường khó tính |
Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Việt Nam tham gia đã chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022, mở ra khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, với khoảng 30% GDP toàn cầu và một khu vực thị trường với 1/3 dân số thế giới. Trong số các thị trường trường RCEP, Nhật Bản là thị trường trọng điểm có ý nghĩa quan trọng và gắn kết chặt chẽ với Việt Nam. Do đó, tận dụng cơ hội từ RCEP để tăng kim ngạch xuất khẩu, hạn chế các rào cản thương mại là mục tiêu rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Mở ra nhiều cơ hội…
Tại Hội thảo “Cơ hội từ Hiệp định RCEP - Thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản” do Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 5/7, ông Nguyễn Duy Kiên, Chuyên viên Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã đóng góp khoảng 3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản. Chỉ trong vòng 10 năm (từ 2009 – 2019), quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam đã tăng trưởng khá ấn tượng, từ 16 tỷ USD lên gần 40 tỷ USD vào năm 2019 và đạt 42,7 tỷ USD vào năm 2021. Hoạt động xuất, nhập khẩu và vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Nhật Bản và ngược lại diễn ra rất thuận lợi.
“Nhật Bản một nước phát triển và đi đầu về công nghiệp cũng như các sản phẩm điện tử nên đang xuất khẩu sang Việt Nam với kim ngạch rất lớn. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng xuất khẩu những sản phẩm có thế mạnh vào thị trường Nhật Bản như thủy sản, nông sản, hàng dệt may và da giày, các sản phẩm từ gỗ. Hiện nay, các FTA giữa Việt Nam và Nhật Bản đang trở thành trợ lực, là đòn bẩy thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa hai nước”, ông Kiên khẳng định.
Hội thảo “Cơ hội từ Hiệp định RCEP - Thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản”. |
Làm rõ hơn những lợi thế từ Hiệp định RCEP khi xuất khẩu vào Nhật Bản, ông Nguyễn Bình An, Chuyên viên Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cũng cho rằng, mục tiêu chính của Hiệp định RCEP đó là tập trung tạo thuận lợi về hàng hóa, nên về sản xuất, Việt Nam có thể đa dạng hóa nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào để thúc đẩy xuất khẩu.
“Việt Nam có thể tận dụng được phế liệu từ rượu, bia hay nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, Hàn Quốc để sản xuất và xuất khẩu sang Nhật Bản. Bên cạnh đó, các quy tắc về xuất xứ hàng hóa không có nhiều khác lạ, bởi DN Việt Nam đã rất quen thuộc với quy tắc này tại thị trường các nước ASEAN”, ông An nêu rõ.
Bên cạnh những cơ hội, ông An cũng chỉ ra một số thách thức cho DN Việt Nam, đó chính là môi trường cạnh tranh xuất khẩu tại Nhật Bản gay gắt hơn rất nhiều bởi các ưu đãi thuế quan dành cho các đối tác trong hiệp định. Trong đó có các đối thủ cạnh tranh rất mạnh về năng lực cũng như lợi thế xuất khẩu như Thái Lan, Indonesia….
Do đó, không có cách nào khác là các DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong việc nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu. Cùng với đó, các DN cũng cần nâng cao năng lực trách nhiệm xã hội với các tiêu chuẩn về lao động, tăng cường kiểm soát các công nghệ được nhập khẩu để có công nghệ sản xuất tiên tiến và phù hợp nhất.
Thách thức từ tiếp cận và cạnh tranh
Thông tin về thị trường Nhật Bản, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Bí thư thứ Nhất, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, nhìn chung sản phẩm hải sản, nông sản, hoa quả của Việt Nam mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu nhập khẩu Nhật Bản, nên còn rất nhiều dư địa để các DN xuất khẩu có thể xâm nhập thị trường này. Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản tươi sống xuất khẩu vào Nhật Bản vẫn còn gặp nhiều khó khăn như giá cao, thời gian vận chuyển lâu nên khó đảm bảo độ tươi ngon.
“Sản phẩm nông sản tươi sống hoặc qua chế biến xuất khẩu cần phải phù hợp với các tiêu chuẩn, quy định trong Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Hải quan Nhật Bản quy định rất nghiêm ngặt, nếu 1 lô hàng bị phát hiện vi phạm vệ sinh, không những lô hàng đó bị yêu cầu phải tiêu hủy, tần suất kiểm tra sẽ được tăng lên không chỉ với 1 DN mà đối với cả các DN khác cùng nhập khẩu mặt hàng tương tự”, bà Huệ lưu ý.
Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản quảng bá sản phẩm phẩm nông sản Việt. |
Khuyến cáo các DN khi muốn thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, bà Quyền Thị Thúy Hà, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản cho rằng, DN phải chuẩn bị kỹ về hồ sơ giới thiệu năng lực cũng như có website riêng và catalog giới thiệu sản phẩm, sau đó là thông qua các kênh xúc tiến thương mại và qua mạng lưới của thương vụ tại nước ngoài để tiếp cận đối tác.
“Cơ quan thương vụ sẽ thông qua các chương trình xúc tiến thương mại để thay mặt DN giới thiệu tới các đối tác; hoặc trên cơ sở các thông tin về sản phẩm và các thế mạnh của DN, cơ quan thương vụ sẽ tìm kiếm các đơn vị nhập khẩu có nhu cầu tương ứng”, bà Hà cho biết.
Theo ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, RCEP là cơ hội khai thác rất tốt cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản. Cơ cấu mặt hàng xuất, nhập khẩu của hai nước mang tính chất bổ sung rõ nét, không có sự cạnh tranh trực tiếp. Bên cạnh đó, quan hệ thương mại còn được hỗ trợ tích cực từ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á được nâng cấp năm 2014 và Nhật Bản luôn là đối tác đầu tư nước ngoài hàng đầu Việt Nam…
“Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực vào đầu năm nay giúp cho mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản tiếp tục có thêm động lực phát triển, có thêm cơ hội cho DN Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn nữa vào thị trường Nhật Bản thông qua những ưu đãi, lợi thế có được từ Hiệp định này”, ông Hưng nhấn mạnh./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
https://vov.vn/kinh-te/hiep-dinh-rcep-mo-ra-co-hoi-xuat-khau-vao-thi-truong-nhat-ban-post954777.vov
Bình luận