Cần phối hợp chặt chẽ các chính sách để kiểm soát lạm phát Áp lực lạm phát Nguy cơ lạm phát năm 2022 vượt mức 4%

Lạm phát toàn cầu ở mức cao kỷ lục

Tại Tọa đàm “Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt”, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thị trường tài sản là một thị trường đầu tư có doanh lợi trên vốn rất cao, tuy nhiên, rủi ro cũng rất lớn. Ngoài ra, đây cũng là thị trường rất dễ bị thao túng nếu không được kiểm soát tốt sẽ tạo ra những làn sóng đầu tư bầy đàn có thể làm sụp đổ thị trường một cách nhanh chóng. Vì vậy, đối với từng cá nhân nguồn tài chính có hạn thì việc đầu tiên phải xác định đầu tư tài sản chứ không phải đầu cơ tài sản.

Theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, lạm phát toàn cầu đang ở mức cao, kỷ lục trong vòng 40 năm qua bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, các ngân hàng trung ương phát hành tiền để hỗ trợ phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch. Có những quốc gia khối lượng tiền phát hành lên tới 58% GDP như Nhật hay Mỹ là 30% GDP. Tính chung toàn cầu, tổng khối lượng phát hành khoảng 15-16% GDP. Đây là khối lượng phát hành lớn chưa từng có trong lịch sử và điều này sẽ dẫn đến câu chuyện lạm phát cầu kéo không chỉ trong ngắn hạn như các dự báo trước đó mà sẽ là dài hạn. Thứ hai, lạm phát chi phí đẩy do đứt gãy nguồn cung và xung đột Nga - Ukraine. Cả hai lạm phát này tác động trực tiếp vào Việt Nam dưới dạng chi phí đẩy bởi Việt Nam không có lạm phát cầu kéo.

Kênh đầu nào tư chịu áp lực lớn từ lạm phát?
Thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang ở mức báo động theo các tiêu chí của IMF (Ảnh minh họa: BT)

Nhìn vào chỉ số giá hàng nhập khẩu tháng 6 ở mức 10-11% cho thấy chi phí nhập khẩu rất lớn nhưng Việt Nam có lợi thế nhập khẩu để xuất khẩu là chủ yếu nên tác động chỉ số giá vào hàng nội địa được giảm thiểu. Tác động mạnh nhất có lẽ là giá nguyên liệu và một số vật tư cơ bản cho những ngành như điện tử, dệt may… nhưng các ngành này cũng chủ yếu xuất khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam là một quốc gia chủ động được lương thực nên giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định, góp phần làm lạm phát chi phí đẩy thấp.

Yếu tố quyết định hơn cả, Việt Nam kiểm soát được cung tiền và tỷ giá hối đoái cho nên lạm phát chi phí đẩy từ bên ngoài vào không bị khuếch đại bởi lạm phát cầu kéo. Mặc dù vậy, lạm phát trung bình Việt Nam năm 2022 dự báo gấp đôi (4%) năm 2021 (1,98%) và áp lực những tháng cuối năm ngày càng lớn do nhu cầu về tiêu dùng và đầu tư phục hồi mạnh.

Ngoài các áp lực lạm phát, kinh tế Việt Nam cũng chịu các áp lực khác, trong đó có áp lực về suy giảm kênh đầu tư như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán… Đây là những kênh đầu tư chịu áp lực rất lớn từ lạm phát và các bất ổn về chính trị, kinh tế toàn cầu. Đồng thời, cũng phản ánh dấu hiệu quá “nóng” của những kênh đầu tư này, đặc biệt là chứng khoán, bất động sản…

Các thị trường diễn biến phức tạp

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, trong diễn biến thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang ở mức báo động theo các tiêu chí của IMF. Đây cũng là một chỉ báo cho thấy nguy cơ bong bóng bất động sản đang đến gần. Gần đây, thị trường trái phiếu đã phục hồi trở lại, nhưng lòng tin của nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp rất thấp nên triển vọng phục hồi còn khá bấp bênh.

Thị trường chứng khoán trong những năm qua đã rơi vào tình trạng đầu cơ và lũng đoạn của một số doanh nghiệp và kéo theo đó là tình trạng rất phổ biến là đầu cơ bầy đàn đã đẩy giá chứng khoán lên khá cao trong khi nền tảng tài chính của nhiều tập đoàn và công ty đang gặp khó khăn lớn do đại dịch Covid-19.

Với sự phát triển của công nghệ, của thanh toán online, đặc biệt qua giai đoạn đại dịch vừa qua đang cho thấy đây mới là thời điểm nở rộ nhất của các kênh đầu tư cá nhân. Bên cạnh các kênh đầu tư truyền thống như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, vàng, ngoại tệ thì thị trường đã phát triển và hoàn thiện đa dạng các kênh đầu tư mới.

Phân tích về kênh đầu tư chứng khoán hiện nay, ông Trần Đức Anh - Giám đốc nghiên cứu vĩ mô và chiến lược đầu tư, Chứng khoán KB Việt Nam cho biết: “Động lực tăng trưởng chính của thị trường trong 6 tháng cuối năm sẽ đến từ khả năng đề kháng tốt của nền kinh tế trước những áp lực gia tăng từ ngoại biên, cũng như đà tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết. Chúng tôi kỳ vọng thị trường trong quý 3 sẽ sớm bước vào nhịp hồi ngắn hạn, phản ứng với các chỉ tiêu vĩ mô tích cực được công bố, cũng như mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2, đặc biệt sau nhịp điều chỉnh sâu ở nhóm cổ phiếu tính chu kỳ cao như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và các ngành liên quan.”

Đánh giá về kênh bất động sản, ông Nguyễn Văn Ngọc - Chủ tịch Hội đồng quản trị RB Group nhận xét, về thị trường trong 6 tháng và 1 năm tới có thể còn nhiều khó khăn, sẽ ảnh hưởng tới các nhà đầu tư đã ôm hàng trong giai đoạn mới đây, đặt biệt là các nhà đầu tư đầu tư ngắn hạn, đầu cơ hay sử dụng đòn bẩy ngân hàng quá đà, có nhiều nhà đầu tư có thể phải gồng lỗ hoặc cắt lỗ trong giai đoạn này nếu không có dòng tiền tốt. Tuy thời điểm khó khăn để xuống tiền nhưng chúng ta lại nhìn thấy những điểm tích cực của thị trường trong trung dài hạn.

Bảo Thoa