Khơi gợi tiềm năng làng cổ
Làng cổ Đường Lâm đón đoàn khách du lịch quốc tế “xông đất” đầu năm Điểm đến Lăng Cô: Hành trình 15 năm được công nhận là vịnh đẹp thế giới |
Nhiều tiềm năng phát triển
Làng là đơn vị tụ cư truyền thống lâu đời ở nông thôn Việt Nam, đồng thời là nơi cố kết quan hệ dòng tộc, xóm giềng, hình thành nếp sống cộng đồng riêng có, tạo ra văn hóa làng, một yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
Ở những làng cổ, còn một điểm trân quý là dù qua biến thiên của thời gian, mỗi làng dường như vẫn giữ được nét riêng không thể pha trộn. Chẳng hạn, ở làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), cho đến thời điểm này, nơi đây vẫn toát lên sự chất phác của một làng nông nghiệp tiêu biểu đồng bằng Bắc Bộ. Nói cách khác, bên cạnh sự hấp dẫn ở hệ thống di tích dày đặc, có giá trị (các di tích nổi tiếng như đình Mông Phụ, chùa Mía, đình Cam Lâm, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh...) quanh Đường Lâm thì nơi đây còn giữ những nét kiến trúc Bắc Bộ với những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, những chiếc cổng đá ong, những ngõ nhỏ lát gạch nghiêng.
Những làng cổ được đánh giá là "mỏ vàng" hiện hữu, có nhiều tiềm năng phục vụ du lịch Thủ đô. Ảnh: Luyện Đinh |
Cùng với những giá trị lịch sử, văn hóa, các kiến trúc ở Đường Lâm còn cho thấy kinh nghiệm của người xưa về cách sử dụng vật liệu và phương thức xây dựng với sự tài tình trong cách sử dụng đá ong hay gạch đất không nung (bùn ao trộn trấu), tạo nên nét đặc trưng của hình ảnh ngõ xóm gần gũi, dung dị mà hữu tình. Trong không gian ấy là cuộc sống của những người dân Đường Lâm bao đời đều chung sống trong một cộng đồng làng xã với quan hệ dòng tộc, xóm giềng mật thiết, từ đó tạo nên những sắc thái riêng biệt vùng Kẻ Mía.
Tương tự, làng Cự Đà thuộc xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) và Làng Cựu thuộc xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) lại mang dấu ấn của làng quê Bắc Bộ pha trộn kiến trúc kiểu Pháp cổ kính. Ông Vũ Văn Bằng, cựu Trưởng ban Văn hóa xã Cự Khê, “pho sử sống” của xã Cự Đà chia sẻ, nơi đây là làng cổ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được đánh số nhà, có biển ghi tên ngõ, xóm như ở phố. Hầu hết nhà đều lợp mái ngói âm dương, sân gạch vuông Bát Tràng, chuối sau cau trước, chum tương bể nước... Trong nhà có hoành phi, cửa võng, câu đối khắc ghi những lời hay ý đẹp như nhắc nhở, truyền dạy của ông bà tổ tiên với con cháu.
Ngoài Cự Đà và Đường Lâm, quanh Hà Nội còn có thể kể đến các làng cổ khác như: Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm), làng Bát Tràng (Gia Lâm), làng Cổ Loa (Đông Anh), làng Cựu (Phú Xuyên), làng Yên Trường (Chương Mỹ)... mỗi nơi mỗi vẻ song đều có điểm chung là khi đặt chân đến làng, dù già hay trẻ ai nấy đều có thể tìm được cho riêng mình góc lắng đọng yên bình.
“Đánh thức” cách nào?
Trong nỗ lực bảo tồn những giá trị truyền thống của một ngôi làng cổ đang chuyển hóa trong sự phát triển tất yếu, đòi hỏi cần phải có cách ứng xử thích hợp. Không khó để nhận thấy, khi tốc độ đô thị hóa nhanh, làng cổ dường như cũng thu mình trong dòng chảy ồn ã. Chẳng nói đâu xa, dù cố gắng gìn giữ nhưng có những vẻ đẹp dù đã tồn tại cả trăm năm, song cũng thật mong manh trước sự nghiệt ngã của thời gian và bàn tay con người. Đã có nhiều vẻ đẹp mất đi trong tiếc nuối.
Làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì) là ví dụ. Nhịp đô thị trong vùng quá mạnh mẽ khiến nghề thủ công truyền thống cùng văn hóa, phong tục tập quán đặc trưng của ngôi làng Việt cổ này gần như không còn. Hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình đã dần nhường chỗ cho những tòa nhà văn phòng khang trang, nghề dệt thao (làm dải lụa làm quai cho nón quai thao - PV) có từ thế kỷ XVI cũng không còn. Trong sự vồn vã của nhịp đô thị, thứ mà người vùng Đơ Thao xưa cũ giữ lại được duy nhất là điệu múa Bồng trứ danh.
Trong chuyến “phượt” quanh các làng cổ cùng Nhà văn Nguyễn Văn Học (hiện đang công tác tại Báo Nhân Dân), anh chia sẻ, hiện những giá trị của làng cổ ngoài được công nhận chính thống cấp Nhà nước giống làng cổ Đường Lâm, hay nhận sự quan tâm tìm hướng bảo tồn từ chính quyền địa phương như Bát Tràng, làng Cựu… thì hiện nhiều bạn trẻ cũng tìm đến các làng cổ.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, có bạn trẻ đã thổ lộ, “khoe” nhiều nét đẹp của làng cổ mà họ vô tình ghi lại được. Có người lại bàn nhiều về lối ứng xử đẹp và gần gũi của bà con. Dù cách thức thể hiện khác nhau, nhưng họ khẳng định một điều, muốn tìm chất mộc mạc, thân tình và gần gũi thì không nên bỏ qua những chuyến về làng. Nơi ấy, vẫn đang lưu giữ một phần quá khứ thấm đẫm những giá trị nhân văn, những trầm tích văn hóa đáng tự hào của dân tộc.
Để phát triển làng cổ không thể thiếu sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương và các ngành chức năng là “đòn bẩy” giúp các làng cổ khởi sắc. Điều này được thấy rõ ở Làng cổ Đường Lâm. Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) luôn tích cực vận động, tuyên truyền người dân, các tổ chức, đoàn thể tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, xã tập trung hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển du lịch, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Đặc biệt, để thúc đẩy đời sống kinh tế địa phương, xã Đường Lâm đã khuyến khích, tạo điều kiện mở rộng các loại hình kinh tế nông thôn, như: Kinh tế cá thể, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế thương mại - dịch vụ phát triển. Nhờ đó, xã Đường Lâm đã xây dựng được các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) là: “Cá trắm kho tộ” của hộ kinh doanh Bếp làng Đường Lâm; sản phẩm mỹ nghệ của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát; phát triển nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm như: Mô hình vườn hoa gia đình kết hợp du lịch trải nghiệm; mô hình kết hợp các dịch vụ ăn uống - du lịch trải nghiệm - chụp ảnh - homestay… Hiện thu nhập bình quân toàn xã đạt 68 triệu đồng/người/năm; 2.781/2.781 hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định (nhà kiên cố, bán kiên cố) và từ tháng 6/2024, xã Đường Lâm không còn hộ nghèo, chỉ còn 28 hộ cận nghèo.
Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo thông tin, làng cổ Đường Lâm còn là nơi lưu giữ, bảo tồn một kho tàng văn hóa, lịch sử quý báu, là vùng đất cổ “địa linh nhân kiệt”, nơi sinh ra những vị anh hùng dân tộc, danh nhân, khoa bảng hiền tài, đóng góp cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước, như: Vua Phùng Hưng, vua Ngô Quyền, Thám hoa Giang Văn Minh… Phát huy lợi thế của địa phương, xã Đường Lâm đã đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, góp phần mang lại nguồn thu cho địa phương và nhân dân. Qua thống kê, trong 9 tháng của năm 2024, xã đón hơn 14 vạn lượt khách tham quan tại làng cổ.
Rõ ràng, việc đánh thức tiềm năng các làng cổ là hết sức cần thiết. Những cách thức phát triển làng cổ như ở Đường Lâm hoàn toàn có thể nhân rộng ra các địa phương khác. Thông qua hoạt động thúc đẩy phát triển làng cổ, ngoài việc giúp bảo tồn giá trị văn hóa thì còn trực tiếp giúp nâng cao đời sống nhân dân địa phương.
Luyện Đinh
Bình luận