Khởi nghiệp với trà sữa "siêu đắt" 300.000 đồng/ly
TP.HCM: Quyết tâm không để xảy ra “lạm thu” đầu năm học Nghịch lý phát triển nhà ở xã hội và tái định cư tại TP.HCM Hà Nội và TP.HCM lọt top 15 thành phố phát triển nhanh nhất thế giới |
Chọn thị trường ngách với trà quý hiếm
Điểm nhấn của sự kiện là ly trà sữa có giá siêu đắt đỏ 300.000 đồng/ly, được pha chế từ trà móng rồng trứng dát vàng. Ông Lê Văn Tuấn cho biết, ly trà đặc biệt này được làm từ trà móng rồng, hay còn gọi là trà đuôi rồng, một loại trà quý hiếm chỉ sinh trưởng ở đỉnh Tây Côn Lĩnh thuộc tỉnh Hà Giang.
Với độ cao trên 2500m và nhiệt độ mùa đông dưới 10 độ C, mỗi năm chỉ thu hoạch được búp chè một lần vào mùa đông. Để có được những búp trà móng rồng quý giá này, người đồng bào phải leo lên đỉnh núi cao trong 1-2 ngày và mỗi người chỉ thu hoạch được khoảng 500gr trà, do đó giá trị của trà rất cao. Hiện trên thị trường mỗi ký trà móng rồng có giá 10-15 triệu đồng tùy vào chất lượng.
Ông Lê Văn Tuấn, nhà sáng lập thương hiệu trà sữa Chapa Tea. |
Ngoài ra, ông Tuấn còn chia sẻ về các dòng trà sữa khác được làm từ loại trà Shan Tuyết quý hiếm. Đây là loại trà được thu hoạch từ những cây trà cổ thụ có tuổi đời vài chục năm thậm chí hàng trăm năm tại vùng núi cao Tây Bắc và Kỳ Sơn (Nghệ An). Trên thế giới, chỉ có một số ít quốc gia có thể sản xuất được dòng trà này.
Trà Shan Tuyết được biết đến là loại trà hữu cơ tự nhiên 100%, không chịu sự tác động của con người, hàm lượng các axit amin và một số chất dược tính cao gấp 30 lần trà thường.
Ông Tuấn khẳng định rằng, ngoài ly trà sữa móng rồng siêu đắt đỏ, các loại trà sữa khác làm từ trà Shan Tuyết của Chapa Tea có giá cạnh tranh và chất lượng tốt nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào từ nhà máy sản xuất trà tại Nghệ An.
Ông nhận định rằng, ngành trà sữa tại Việt Nam hiện đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng nguyên liệu và các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, điều này mở ra cơ hội cho các thương hiệu sử dụng trà Việt Nam như Shan Tuyết để tạo sự khác biệt.
Theo nghiên cứu của GlobeNewswire, ngành trà sữa toàn cầu đạt giá trị khoảng 2,89 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng lên 3,12 tỷ USD vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 7,9%. Đến năm 2032, thị trường dự kiến sẽ đạt khoảng 5,73 tỷ USD. Thị trường trà sữa tại Đông Nam Á có giá trị 3,66 tỷ USD, trong đó Indonesia dẫn đầu với 1,6 tỷ USD, tiếp theo là Thái Lan với 749 triệu USD và Việt Nam đứng thứ ba với 362 triệu USD.
Tại Việt Nam, thị trường trà sữa phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu quốc tế và nội địa như Phúc Long, Katinat… Điều này tạo nên sự sôi động trong lĩnh vực kinh doanh trà sữa
Hành trình khởi nghiệp từ trà
Ông Tuấn cho biết Nghệ An, quê hương nổi tiếng là vùng đất cung cấp trà lớn nhất miền Trung với những cây trà Shan Tuyết cổ thụ quý hiếm, tuổi đời từ vài chục đến hàng trăm năm, chứa đựng nhiều dược tính quý báu.
Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác và xây dựng thương hiệu để trở thành một đặc sản vùng miền. Nghĩ là làm ông Tuấn đã từ bỏ công việc dạy lái xe với mức thu nhập ổn định để khởi nghiệp với công ty An Trà. Để tìm hiểu sâu hơn về trà cổ thụ Shan Tuyết, ông Tuấn lên tận Hà Giang, cái nôi của trà Shan Tuyết để học hỏi kinh nghiệm sản xuất trà và mang về áp dụng vào vùng nguyên liệu tại Nghệ An.
Nhận thấy khó khăn trong việc cạnh tranh với hàng trăm loại trà trên thị trường, ông Tuấn quyết định chọn thị trường ngách, phân khúc quà tặng trà quý hiếm cho các doanh nghiệp, đồng thời tìm kiếm đối tác thiết kế bao bì và bộ nhận diện thương hiệu, nhằm quảng bá sản phầm trà của đồng bào dân tộc vùng cao.
Ông Lê Văn Tuấn giới thiệu trà Shan Tuyết đến với người tiêu dùng. |
Dù gặp nhiều khó khăn ban đầu, sản phẩm của An Trà dần chinh phục những người thưởng trà khó tính nhất nhờ hương vị độc đáo và nội chất mạnh của trà Shan Tuyết từ Nghệ An. Hiện tại, An Trà sở hữu khoảng 11ha chè Shan Tuyết tại Hùng Sơn, Anh Sơn, với nhiều dòng trà cao cấp và sản lượng hơn 3 tấn mỗi năm, chủ yếu làm quà biếu tặng.
Ông Tuấn cho biết luôn chú trọng quy trình sản xuất chặt chẽ, từ việc thu hoạch trà tươi ngon cho đến áp dụng công nghệ sản xuất để giữ được nguyên hương vị và dược của cây trà Shan Tuyết cổ thụ có tuổi đời hằng trăm năm.
Bên cạnh phát triển các dòng trà truyền thống, ông Tuấn nhận thấy thị trường trà Shan Tuyết còn nhiều tiềm năng nên quyết định “lấn sân” sang làm trà sữa Shan Tuyết. Tận dụng vùng nguyên liệu và nhà máy sản xuất trà sẵn có doanh nghiệp sẽ đưa ra thị trường các dòng trà sữa cao cấp từ trà Shan Tuyết với giá cạnh tranh.
“Tuy nhiên, thị trường cũng đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu nước ngoài và đòi hỏi sự đổi mới không ngừng để duy trì sự hấp dẫn. Chúng tôi tự hào sử dụng trà Shan Tuyết từ đất Việt, của người Việt làm nguyên liệu chính. Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng hảo hạng cho mỗi ly trà sữa Việt mà còn góp phần hỗ trợ nông dân địa phương và bảo tồn những giá trị truyền thống trong nghề trồng trà”, ông Tuấn chia sẻ.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng hành trình khởi nghiệp của ông Lê Văn Tuấn không chỉ là xây dựng thương hiệu cho cây trà cổ thụ Shan Tuyết mà còn là nỗ lực bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa, thiên nhiên của trà Shan Tuyết Nghệ An.
Bình luận