EU ngừng kiểm soát an toàn thực phẩm khẩn cấp với bún, miến, phở Việt Nam

Thời gian qua, công tác quản lý sản phẩm hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nhận được nhiều sự quan tâm nên đã có sự chuyển biến. Thể chế quản lý được rà soát, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế, tương thích với yêu cầu hội nhập; công tác quản lý ATTP đã thực hiện chuyển đổi mạnh sang quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn không ít bất cập, vi phạm về ATTP đối với sản phẩm vẫn còn tồn tại và có phần đa dạng, biến tướng theo nhiều hình thức khác nhau.

Trách nhiệm không phải của riêng ai

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thông tin, theo chủ trương của Nhà nước thực hiện tiền kiểm sang hậu kiểm để để tạo điều kiện cho DN nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, việc hậu kiểm cũng có những bất cập, đó là khi phát hiện các hành vi vi phạm về ATTP, sản phẩm đã đưa ra thị trường với số lượng lớn, việc thu hồi gặp khó khăn, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân.

kiem soat an toan thuc pham hang hoa can duoc lam tot ngay tren san nha hinh anh 1
Nhiều vụ việc vi phạm về ATTP rất nghiêm trọng gây nguy hại trực tiếp cho người tiêu dùng.

Theo ông Lê, thời gian qua, lực lượng QLTT đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về ATTP rất nghiêm trọng gây nguy hại trực tiếp cho người tiêu dùng. “Đặc biệt trong những thời điểm gián đoạn cung ứng, nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng hay thực phẩm giả mạo đã gia tăng. Hơn nữa, khi thương mại điện tử phát triển, người mua bán không gặp nhau khiến nhiều người tiêu dùng ít nhiều đã mua phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng”, ông Lê chỉ ra.

Hành vi vi phạm ATTP như phân tích của ông Lê là do các tổ chức, cá nhân tìm kiếm lợi nhuận bất chính từ việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. “Trách nhiệm ở đây không phải chỉ của cơ quan quản lý nhà nước mà còn về cả phía các DN, người tiêu dùng. Nếu tất cả đều làm tốt trách nhiệm của mình, thì chắc chắn các tổ chức, cá nhân muốn thu lợi bất chính từ việc kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn, thực phẩm sẽ không thể tồn tại”, ông Lê nhận định.

Dư luận không thể quên trong năm 2021, những khiếu nại tập trung về ATTP liên đến các sản phẩm về sữa, khi người tiêu dùng mua hàng về sử dụng sản phẩm sữa đã bị phồng hay quá hạn sử dụng, bị ẩm mốc… Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã đã hướng dẫn người tiêu dùng ghi lại thông tin bằng chứng chứng, đồng thời chủ đồng liên hệ DN rà soát, thu hồi sản phẩm đảm bảo ATTP cho người tiêu.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, Cục thường xuyên và liên tục tiếp nhận xử lý các sự việc khiếu nại liên quan đến chất lượng, vệ sinh ATTP đối với các sản phẩm đặc biệt là lĩnh vực thực phẩm. “Một mặt chúng tôi yêu cầu DN rà soát lô hàng bị khiếu nại và buộc thu hồi, đồng thời Cục sẽ giám sát và kiểm soát chặt chẽ quá trình thu hồi những sản phẩm liên quan đến ATTP”, ông Tuấn khẳng định.

Có thể thấy, còn tồn tại những vi phạm ATTP trong thời gian qua cũng xuất phát từ việc sản xuất nông sản thực phẩm còn manh mún, nhiều hộ kinh doanh cá thể thiếu hiểu biết cũng như chưa nhiều sản phẩm được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Do đó, để làm tốt hơn nữa công tác quản lý ATTP, ngoài các cơ chế chính sách của Nhà nước, rất cần sự vào cuộc của DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Tăng truy xuất nguồn gốc

Để tăng hiệu quả kiểm soát an ATTP, Phó Tổng giám đốc Công ty CP iCheck – ông Nguyễn Văn Chính cho rằng, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ mang lại các giá trị cho DN, trong đó sẽ hiện tốt, đó là minh bạch thông tin, đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất; quản lý các rủi ro. Đặc biệt, phương thức này giúp các DN tối ưu chuỗi cung ứng, nhất là chuỗi cung ứng thực phẩm, khi đó có cơ hội đế sản phẩm tiếp cận tốt thị trường; khoanh vùng các rủi ro khi gặp sự cố, tránh các hàng giả, hàng nhái, đảm bảo uy tín trên thị trường.

Thực hiện chiến lược về phát triển thương mại, trong đó có liên quan đến ATTP hướng tới phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, hiện đại, thời gian qua, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã và đang thực hiện các chương trình hành động, nhằm tạo đột phá về kinh doanh thực phẩm tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh.

kiem soat an toan thuc pham hang hoa can duoc lam tot ngay tren san nha hinh anh 2
Xây dựng hệ thống phân phối hiện đại, cung cấp thực phẩm an toàn là yêu cầu cấp bách.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Vụ sẽ tăng cường tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu; xây dựng hệ thống phân phối hiện đại, cung cấp thực phẩm an toàn cũng như giới thiệu nguồn hàng đa dạng, các đặc sản địa phương, vùng miền; thường xuyên lồng ghép các vấn đề an toàn thực phẩm trong các chương trình trọng tâm của Vụ về hàng Việt, sản phẩm OCOP cũng như phát triển chợ truyền thống.

“Hiện nay, người tiêu dùng luôn quan tâm, suy nghĩ sẽ đến đâu để mua được thực phẩm an toàn. Do đó, thời gian qua, với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, Vụ Thị trường trong nước luôn bám sát tổ chức, phát triển các hệ thống phân phối, nhất là hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu yếu, thực phẩm để tìm các nguồn hàng đảm bảo ATTP. Đưa ra thị trường các sản phẩm đảm bảo. Đồng thời tăng cường cải thiện chất lượng nguồn nhân lực bán lẻ, tạo dựng một cộng đồng hành động vì an toàn thực phẩm, qua đó tiếp tục thúc đẩy mở rộng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn”, bà Nga nêu giải pháp.

Trên môi trường thương mại điện tử, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Cục đang triển khai các giải pháp đồng bộ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc xây dựng hành lang pháp lý, hoàn thiện quy trình quản lý ATTP trên môi trường thương mại điện tử.

“Cục tăng cường công tác giám sát hoạt động thương mại điện tử, phối hợp với các đối tác để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; triển khai các gian hàng trực tuyến quốc gia để người dân có thể tiếp cận được các sản phẩm. Đồng thời, Cục tăng cường tuyên truyền phổ biến, tích cực tham gia các chương trình hội thảo, tọa đàm để kêu gọi khuyến khích DN, người tiêu dùng chung tay sản xuất và tiêu dùng thực phẩm an toàn”, bà Huyền cho biết./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/kiem-soat-an-toan-thuc-pham-hang-hoa-can-duoc-lam-tot-ngay-tren-san-nha-post953751.vov