Ngành bán lẻ Việt Nam: “Cuộc đua” khốc liệt với doanh nghiệp nước ngoài Doanh nghiệp xuất khẩu quay về thị trường nội địa Doanh nghiệp thực phẩm đón sóng tiêu dùng cuối năm

Tổng mức bán lẻ hàng hóa 10 tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 536,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giúp tổng mức bán lẻ duy trì đà tăng là do nhu cầu tiêu dùng các vật phẩm văn hóa, giáo dục, đồ dùng gia đình tăng khá cao và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tích cực.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.105,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,7%).

Để thị trường nội địa giữ vững vai trò “chủ công” trong thực hiện mục tiêu kinh tế
Thị trường nội địa được dự đoán sẽ sôi động dịp cuối năm.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm 2023 ước đạt 3.988,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,1% tổng mức và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,8%).

Đáng chú ý, doanh thu du lịch lữ hành 10 tháng năm 2023 ước đạt 30,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 47,6% so với cùng kỳ năm trước do các địa phương đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch. Doanh thu 10 tháng năm 2023 của một số địa phương so với cùng kỳ năm trước như sau: Đà Nẵng tăng 143,8%; Khánh Hòa tăng 137,9%; Quảng Ninh tăng 94,9%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 68%; Hà Nội tăng 59,5%; Hải Phòng tăng 47,3%; Cần Thơ tăng 32,4%.

Theo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, qua theo dõi, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lũy kế hàng tháng luôn duy trì ở mức cao thời gian vừa qua. Trong đó có những tháng duy trì tăng ở mức 2 con số. Dự kiến từ nay đến cuối năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa sẽ tăng trở lại khi kinh tế trong nước đang dần hồi phục, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng như: Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, tháng khuyến mại tại nhiều địa phương, hội chợ hàng hóa Tết… cùng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá cuối năm của các doanh nghiệp trong cả nước được diễn ra, thu hút người tiêu dùng.

Triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa

Vượt qua những khó khăn chung của nền kinh tế, từ đầu năm đến nay, thị trường nội địa chính là điểm sáng của nền kinh tế khi duy trì được tốc độ tăng trong bối cảnh nhiều yếu tố vĩ mô khác suy giảm. Để thị trường trong nước giữ vững vai trò “chủ công” trong thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô thì việc vực dậy thị trường nội địa cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện đồng bộ các chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ sẽ triển khai một số giải pháp như: Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Cùng đó, chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tổ chức các chương trình kết nối cung cầu giữa các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh với các địa phương khác trong cả nước trong những tháng cuối năm để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, mở rộng kênh phân phối; đồng thời, tìm kiếm nguồn hàng, giới thiệu các đặc sản vùng miền, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Ngoài ra, triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước như tổ chức Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2023 theo thông lệ hàng năm trên phạm vi toàn quốc nhằm tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực, hướng tới các mục tiêu kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước; các chương trình khuyến mãi, giảm giá cuối năm; tăng cường tổ chức các hoạt động bán hàng Việt lưu động tại khu công nghiệp và vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để gia tăng khả năng tiếp cận của người tiêu dùng; tổ chức các hội chợ, triển lãm hàng hóa… thu hút người tiêu dùng.

Tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước. Chủ trì, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức, tham dự các chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa như sản phẩm OCOP, sản phẩm thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối; các hội nghị, hội thảo kết nối cung cầu hàng hóa, trong đó có các sản phẩm thực phẩm an toàn, sản phẩm đặc trưng, đặc sản của các địa phương...

Đặc biệt, đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển mạnh thương mại điện tử; tổ chức các chương trình, sự kiện mua sắm trực tuyến như: Online Friday, Hanoi Midnight Sale…

Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước như: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, chú trọng đến hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho hàng Việt Nam, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, thiết lập điểm bán hàng Việt Nam cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam, Tinh hoa hàng Việt Nam” nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường trong nước.