Duy trì phục vụ tốt khách du lịch từ thị trường nội địa Thị trường nội địa phục hồi mạnh giúp hàng không Việt Nam giảm lỗ đáng kể
Khai thác tiềm năng từ thị trường nội địa 100 triệu dân
Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường trong nước. Ảnh: Hiếu Anh

Xu hướng phát triển thị trường nội địa

Ông Nguyễn Duy Hồng - Tổng Giám đốc Công ty CP Minh Dương - chia sẻ, công ty của ông sản xuất các loại bún, miến khô như miến rong, khoai tây, khoai lang… Những mặt hàng này trước đây được xuất khẩu khá nhiều sang các nước như: Hàn Quốc, Châu Âu... Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh xuất khẩu gặp khó khăn nên doanh nghiệp chuyển sang chủ yếu sản xuất phục vụ thị trường trong nước.

Ông Hồng cho biết thêm, qua quá trình đẩy mạnh thị trường trong nước, bản thân doanh nghiệp nhận thấy thị trường này còn nhiều tiềm năng mà mình chưa khai thác hết. Nhu cầu của người dân trong nước ngày càng nâng cao không chỉ về chất lượng mà còn về bao bì, mẫu mã sản phẩm, nhất là xuất xứ hàng hóa. Người dân sẵn sàng chi trả mức phí cao hơn để sử dụng các sản phẩm rõ ràng nguồn gốc, chất lượng cao. Do đó các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn hoàn toàn có “đất diễn” ở ngay thị trường trong nước.

Hiện nay công ty Minh Dương đang đẩy mạnh sản xuất nhất là dịp cuối năm nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân về mặt hàng bún miến khô. Doanh nghiệp hy vọng sản lượng năm nay sẽ đạt trên 500.000 tấn, bán ngay tại thị trường trong nước.

Ông Trần Tiến Dũng - Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Phương Nam - cho biết, doanh nghiệp của ông chủ yếu sản xuất mặt hàng túi xách bằng chất liệu vải không dệt. Đây là sản phẩm cao cấp có giá thành cao phù hợp với các khách hàng khó tính như: Anh, Pháp, Nhật, Hàn…

Vì vậy trước đây, doanh nghiệp chủ yếu sản xuất phục vụ xuất khẩu mà ít chú trọng thị trường trong nước. Tuy nhiên, qua 2 năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 xuất khẩu gặp khó khăn. Trong năm 2022, doanh nghiệp chịu thêm áp lực từ lạm phát toàn cầu tăng cao, đơn hàng xuất khẩu ngày một ít. Do đó, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã bắt đầu sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước.

Ông Dũng vui mừng chia sẻ, ông rất ngạc nhiên, bởi sản phẩm túi không dệt lại được nhiều khách hàng Việt Nam nhất là các bạn trẻ đón nhận. Nhờ vậy sản lượng sản xuất hàng hóa năm 2022 của công ty đã tăng trưởng mạnh. Hiện doanh nghiệp đang xây dựng xưởng sản xuất mới ở thành phố Lạng Sơn để mở rộng quy mô sản xuất.

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, nhiều doanh nghiệp thương mại cũng đẩy mạnh các chương trình kích cầu trong nước hướng tới thị trường 100 triệu dân trong những tháng cuối năm.

Thông tin của Sở Công Thương Hà Nội, để kích cầu tiêu dùng mua sắm cuối năm, sở đang tiếp tục vận động các đơn vị bán lẻ tăng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán, hỗ trợ người tiêu dùng.

Theo đó, hầu hết doanh nghiệp, thương nhân triển khai các chương trình khuyến mãi này đều giảm giá nhiều loại hàng hóa vượt mức 50%. Còn người tiêu dùng sẽ có cơ hội mua sắm tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ chất lượng tốt với giá rất hấp dẫn.

Kích cầu trong nước

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 10 tháng đầu năm 2022, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng. Lưu thông hàng hóa trên thị trường thuận lợi.

Tổng mức bán lẻ 10 tháng đầu năm 2022 đạt 4.643.574,5 tỉ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021 (10 tháng năm 2021 giảm 5,1% so cùng kỳ). Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa tăng 15% với sự gia tăng của các nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục, hàng may mặc, phương tiện đi lại, lương thực, thực phẩm.

Nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước, thời gian qua, cơ quan chức năng cũng tích cực thúc đẩy các chương trình kích cầu thị trường nội địa.

Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương - cho biết, nhằm tăng cường tiêu dùng trong nước, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng trên cả nước thực hiện chương trình Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2022 diễn ra từ ngày 15.11 - 22.12.2022. Chương trình nhằm mục tiêu khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục tốt để nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong khoảng thời gian cuối năm.

Năm nay, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia được kỳ vọng đạt tổng mức bán lẻ gấp đôi năm 2021. Kết quả của Chương trình sẽ góp phần vào việc duy trì sự tăng trưởng ở mức cao của nền kinh tế, đồng thời tiếp tục tạo thêm cơ sở thực tiễn và lý luận để tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách hiệu quả hơn nữa nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Theo Hiếu Anh/laodong.vn

https://laodong.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/khai-thac-tiem-nang-tu-thi-truong-noi-dia-100-trieu-dan-1116990.ldo