Nhận diện những thủ đoạn lừa đảo qua sàn thương mại điện tử Khiếu nại liên quan đến kinh doanh trên không gian mạng tăng rất nhanh

Tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo đang có xu hướng gia tăng và hoạt động ngày càng tinh vi. Những phương thức mà các đối tượng thường dùng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân trong thời gian gần đây là, giả mạo cơ quan công an, viện kiểm sát, toà án thông báo người bị hại liên quan đến một vụ án bất kỳ hoặc bị xử phạt nguội vi phạm giao thông và yêu cầu chuyển tiền để phục vụ điều tra, xử lý; giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã pin hoặc thông tin thẻ tín dụng, thông tin công dân để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ, gửi thư điện tử, tin nhắn có chứa đường dẫn truy cập vào website của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản internet banking hoặc thông tin thẻ để nhận tiền; Thủ đoạn thông qua mạng xã hội, Facebook, Zalo… các đối tượng giới thiệu là người nước ngoài, kết bạn, làm quen với các phụ nữ Việt Nam nhằm tán tỉnh, yêu đương rồi nói đã chuyển quà như trang sức, mỹ phẩm, và số lượng lớn ngoại tệ qua đường hàng không về Việt Nam để tặng.

Thủ đoạn đánh cắp quyền truy cập các tài khoản mạng xã hội, sử dụng mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị chuyển hộ tiền, vay tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại gửi cho chúng... Mặc dù đã có nhiều cảnh báo từ lực lượng chức năng nhưng nhiều người vẫn sa bẫy của các đối tượng này.

Làm thế nào để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng?
Ảnh minh họa

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đang tăng nhanh cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng, với khoảng 1.500 vụ/năm trong giai đoạn 2016 – 2020 (đây cũng là khoảng thời gian phát triển bùng nổ thương mại điện tử).

Trong khi đó, chính sách pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật Bảo vệ người tiêu dùng ban hành 12 năm trước đang thiếu những quy định phù hợp với những mô hình kinh doanh có yếu tố mới trong điều kiện chuyển đổi số. Nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện cũng chưa được điều chỉnh.

Có luật nhưng quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm hại nghiêm trọng

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông khẳng định, tiến trình chuyển đổi số, số hóa và dịch chuyển các hoạt động lên trên môi trường số của Việt Nam trong những năm qua rất ấn tượng. Tuy nhiên, khi các hoạt động được chuyển từ đời thực lên môi trường số thì đi kèm với đó là các rủi ro gia tăng.

Tội phạm trên môi trường số là một xu thế có thể đoán định được bởi đó là sự phản ánh của đời sống thực. Công nghệ một mặt tạo ra nhiều thuận lợi cho đời sống con người nhưng cũng đồng thời tạo ra môi trường để các tội phạm lừa đảo dễ dàng hơn.

Theo ông Đồng, trong một giai đoạn mà danh tính số tức ẩn danh trên môi trường số dễ dãi hơn, việc thực hiện các hoạt động về mặt công nghệ dễ dàng hơn thì chuyện lừa đảo và các vấn nạn lừa đảo cũng gia tăng cao hơn. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu của chuyển đổi số, ý thức, hiểu biết cũng như kỹ năng về mặt an toàn số của người dân ở Việt Nam còn hạn chế thì khả năng trở thành nạn nhân của lừa đảo số cũng lớn hơn.

Làm thế nào để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng?
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông.

Chúng ta có một nhóm tỷ lệ người dân, nhất là lứa tuổi trung niên, những người chưa thành thạo với các thiết bị số hoặc những người dân ở khu vực nông thôn, lần đầu tiên tiếp xúc với mạng xã hội, với các thiết bị di động, các ứng dụng thông minh thì khả năng họ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo cũng cao hơn rất nhiều.

“Chúng ta cần chuyển dịch sự quan tâm về mặt an ninh mạng sang an toàn số bởi vì chúng tôi đã nhận thấy xu thế gia tăng về chuyện mất an toàn trên môi trường số dưới các hình thức bao gồm việc tấn công mạng; mất an toàn về nội dung thông tin, ví dụ như tin giả, tin sai sự thật ở trên các nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt là các hình thức về tội phạm mạng, tội phạm trên các nền tảng về thương mại điện tử cũng như các hình thức về mặt giao dịch số”, ông Đồng nói.

Cũng theo ông Đồng, để bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, các khung khổ về mặt pháp lý cần phải được hoàn thiện trước, hiện nay, đã có những luật cơ bản như luật an ninh mạng, luật an toàn thông tin. Nhưng luật chúng ta đang còn thiếu đó là pháp luật về bảo vệ dữ liệu cho người dân, các hệ thống để thực thi những luật ấy bằng các hệ thống điều tra bằng chứng số. Bởi khi có pháp luật rồi thì phải đưa được những quy định ấy vào thực tiễn đời sống.

“Nếu muốn điều tra tội phạm số thì các quy trình về mặt ghi nhận bằng chứng, phát hiện tội phạm và xử lý tội phạm, đưa ra tòa để truy tố xét xử thì cần cả một hệ thống tư pháp, thực thi pháp lý cho hệ thống. Chúng ta đã có nền tảng là văn bản quy phạm pháp luật nhưng lại thiếu các quy định chi tiết và các hệ thống để thực thi vấn đề đó. Khi có đầy đủ các hệ thống như vậy rồi thì sẽ giúp lực lượng công an, lực lượng chức năng dễ dàng phát hiện tội phạm hơn, đưa ra tòa để truy tố xử lý thì mức độ răn đe đối với tội phạm trên môi trường số cũng sẽ hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Quang Đồng cho hay.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam nêu quan điểm, chính sách bảo vệ người tiêu dùng hiện nay của Việt Nam khá toàn diện, chúng ta có Luật Bảo vệ người tiêu dùng, ban hành cách đây 2 năm, ngoài ra còn có Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật Khám chữa bệnh; Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, rượu bia; Luật Cạnh tranh, Luật Giao dịch điện tử 2005, Luật An toàn thông tin mạng 2015…

Trong nghị định phải kể đến nghị định điều chỉnh về thương mại điện tử, có Nghị định 52, gần đây có Nghị định 85 bổ sung sửa đổi… Có thể nói, ở Việt Nam đã có cả hệ thống bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà nhà nước đã ban hành. Sau hơn 11 năm thực hiện, kể từ khi luật có hiệu lực, luật bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm hại nghiêm trọng.

“Nguyên nhân do chính sách còn bất cập, luật bảo vệ người tiêu dùng được ban hành cách đây đã 12 năm, trong khi tình hình kinh tế - xã hội của đất nước cũng như trên thế giới đã có nhiều thay đổi. Trước hết là do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thứ 2 là do đại dịch Covid-19. Với điều kiện kinh tế xã hội thay đổi như vậy, nhiều quy định của luật đã không còn phù hợp với thực tế nữa nhưng chưa được điều chỉnh”, ông Hùng chia sẻ.

Các chuyên gia cho rằng, để bảo vệ được người tiêu dùng trên không gian mạng thì cần phải có động lực lớn hơn nữa từ các doanh nghiệp, người tiêu dùng. Doanh nghiệp phải hiểu tốt hơn về luật để bảo vệ an toàn cho khách hàng, bảo vệ dữ liệu cho người tiêu dùng; cần có các hệ thống về an ninh mạng, phòng thủ trước những thủ đoạn tấn công, lừa đảo.

Phía người tiêu dùng, phải chủ động nâng cao hiểu biết về an ninh mạng. Có một số kiến thức rất cơ bản mà ai cũng cần biết như, bảo vệ tài khoản cá nhân thì phải xác thực bằng 2 lớp, đăng ký bằng số điện thoại, email chính thức để tránh không bị lấy cắp…

Ngoài ra, hệ thống giáo dục cũng rất quan trọng, trong giai đoạn này cần đưa giáo dục về kỹ năng an toàn bảo mật thông tin vào hệ thống đào tạo chính thức cho học sinh trong nhà trường. Cần đào tạo về bảo vệ kỹ năng số, kỹ năng an toàn cho đến hành xử như thế nào cho văn minh và an toàn trên mạng xã hội. Với nhóm người lớn tuổi, người cao tuổi ở khu vực nông thôn cần được quan tâm và bảo vệ nhiều hơn để hiểu nhiều hơn về không gian mạng và tránh được những cạm bẫy lừa đảo trên mạng xã hội./.

Theo Chung Thủy/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/lam-the-nao-de-bao-ve-nguoi-tieu-dung-tren-khong-gian-mang-post978907.vov