Làng nghề làm tăm hương Quảng Phú Cầu tất bật vào Tết
(LG) Những ngày này, làng hương Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Hình ảnh những “bông hoa” tăm hương nhiều màu sắc như càng rực rỡ dưới ánh nắng “bung nở” đón Tết.
Hà Nội tập trung phát triển du lịch cộng đồng Những “bóng hồng” miệt mài giữ nghề truyền thống giữa lòng phố biển |
Cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 30km về phía Nam, làng nghề làm tăm hương (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã có tuổi đời ngót nghét một thế kỷ. Nghề làm tăm ở đây nhộn nhịp suốt cả năm nhưng sôi động hơn cả là vào những ngày cận Tết. |
Ngay từ đầu làng, màu đỏ rực của chân hương như càng rực rỡ dưới ánh nắng, thu hút ánh nhìn của bất kì người khách lạ nào ghé thăm. Những bó tăm hương đỏ rực nom như “những bó hoa khổng lồ” được trải dài dọc đường, khắp bãi trống, sân đình,... báo hiệu một mùa Tết đang cận kề. |
Những người làm nghề ở đây không biết nghề đã có từ bao giờ, chỉ biết sinh ra đã thấy ông cha làm hương bằng thủ công truyền thống. Có lẽ vì thế mà những đôi tay thoăn thoắt chẻ vầu, bó tăm, nhuộm phẩm, se hương đều đã rất thành thạo. |
Đã có thâm niên hơn 40 năm làm tăm hương truyền thống, gia đình ông Nguyễn Hữu Long là một trong số ít những gia đình còn lưu giữ lại nghề làm chân hương bằng phương pháp thủ công. Những ngày này, gia đình ông đang gấp rút chuẩn bị cho những lô hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2023. |
Hương là sản phẩm mang yếu tố tâm linh, vậy nên mọi công đoạn đều phải được thực hiện tỉ mỉ và công phu. Theo ông Long, nguyên liệu chính để làm ra chân hương là cây vầu. Vầu được dùng làm chân hương phải đủ độ tuổi và được chọn lựa kỹ càng chứ không được cẩu thả. |
Những thanh vầu nhập từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn… phải đưa xuống ao ngâm chừng 1-2 tháng cho “chín” sau đó vớt lên, rửa sạch rồi mới cạo vỏ, xếp thành bó và phơi khô. Sau đó cho vào máy chẻ và thành phẩm là những que tăm hương đều tăm tắp. “Ngày xưa người ta chủ yếu làm chân hương bằng tăm vuông nhưng giờ hiện đại hơn, tất cả đều được cho vào máy, chân hương vừa đều mà năng suất lại cao hơn hẳn”, ông Long hào hứng chia sẻ. |
Với cách làm truyền thống, khi se hương, người thợ phải lăn thật nhẹ và chắc tay để cho bột bám đều vào que hương. Còn bây giờ nhờ công nghệ hiện đại, nhiều nhà đầu tư máy móc để công đoạn này trở nên nhanh hơn, đồng thời tăng năng suất đáng kể. Hương sau khi se xong phải đủ nắng mới không bị mốc và để được lâu. |
Với nguyên liệu thảo mộc, bí quyết pha trộn riêng biệt, tỉ mỉ trong từng công đoạn nên hương của các làng nghề ở Quảng Phú Cầu luôn bảo đảm thơm lâu, bền màu, đẹp mắt. Trải qua gần một thế kỷ, nghề làm hương ở Quảng Phú Cầu không chỉ là nghề tạo công ăn việc làm cho bà con mà còn trở thành nét đẹp rất riêng biệt của vùng đất nơi đây. |
Xưởng của ông Long không chỉ sản xuất, mà nhiều năm trở lại đây còn trở thành một địa điểm du lịch cũng như nhiều các bạn trẻ đến để trải nghiệm. Ông Long cho biết, việc đón các đoàn khách đến cũng tình cờ, từ rất lâu khi phơi chân hương thì có khách đến hỏi, ông cũng nhiệt tình trả lời, sau nhiều người đến với gia đình ông hơn. Về sau để cho mọi người có những tấm hình đẹp hơn, ông đã xếp chân hương thành những hình trên sân nhà mình. |
Có dịp ghé thăm làng nghề hương Quảng Phú Cầu vào những ngày cuối năm, mới thấy hết khung cảnh quá đỗi đẹp mắt và độc đáo của làng nghề nơi đây, đâu đâu cũng là hình ảnh những bó tăm hương kích thước lớn, đầu chụm vào nhau và chân xòe tròn như những đoá hoa rực rỡ sắc màu đang nở. Nơi đây không chỉ giữ cái hồn của một vật phẩm mang ý nghĩa văn hóa tâm linh mà còn là một địa điểm du lịch đẹp mà du khách nên ghé thăm khi đến với Thủ đô Hà Nội. |
Minh Phương
Bình luận