Khánh Hòa: Thu hút công chúng đến với bảo tàng qua triển lãm mỹ thuật Những nữ "phu cá" ở cảng Hòn Rớ

Miệt mài “giữ lửa” nghề

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ghé thăm Làng nghề Trường Sơn nằm bên cạnh bờ biển Nha Trang.

Nơi đây hiện đang tập trung nhiều lao động làm nghề truyền thống của địa phương có kinh nghiệm nhất của phố biển, có thể kể đến như: Đan lưới chài Vĩnh Trường, nghề dệt chiếu Vĩnh Thái, gốm nghệ thuật Lư Cấm, chằm nón Diên Khánh,… Những nghề này, trên thực tế, có nghề vẫn phát triển bình thường, song, cũng có nghề đang dần mai một, giờ đây chỉ còn là hoài niệm.

Là một trong số ít những “bóng hồng” gắn bó với nghề đan lưới thủ công, chị Thanh Thúy - người thợ đan lưới duy nhất đang làm việc tại Làng nghề Trường Sơn cho hay, chị sinh ra tại làng chài Vĩnh Trường (TP.Nha Trang), gia đình chị có hơn 3 thế hệ đều gắn bó mưu sinh với nghề đan lưới.

Trước đây, các chủ thuyền khi bị rách lưới, họ thường thuê chị em phụ nữ xuống thuyền để vá. Công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức cũng chỉ kiếm được khoảng gần 200 nghìn đồng/ngày.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề này gặp nhiều khó khăn, sản lượng thấp nên chủ tàu cũng không còn thuê lao động đan lưới như trước. May mắn chị được làm việc tại Làng nghề Trường Sơn để tiếp tục giữ nghề đan lưới truyền thống. Ngoài ra, chị còn phụ trách thêm nghề đan mây. Nhờ các nghề thủ công này mà chị Thúy có thu nhập ổn định nuôi con ăn học.

Các em thiếu nhi thích thú khi được nhìn thấy những chiếc lưới đủ màu sắc được dệt qua đôi bàn tay khéo léo của chị Thanh Thúy. (Ảnh: LNTS)
Các em thiếu nhi thích thú khi nhìn thấy những chiếc lưới đủ màu sắc được dệt qua đôi bàn tay khéo léo của chị Thanh Thúy. (Ảnh: LNTS)

Không riêng gì chị Thanh Thúy, chị Kim Lệ cũng là một trong những thợ lành nghề dệt chiếu truyền thống của Làng dệt chiếu Vĩnh Thái (TP. Nha Trang), chị Kim Lệ cho biết, gia đình chị có người thân đều là những người thợ dệt chiếu giỏi.

Ngày đó, sản phẩm chiếu Vĩnh Thái nức tiếng một thời được nhiều người biết đến vì màu sắc rất đẹp, chiếu dệt dày, chắc chắn. Để làm ra những chiếc chiếu có chất lượng, người lao động trong thôn phải thao tác rất nhiều công đoạn tỉ mỉ.

Có những thời điểm, người dân làng nghề không cần phải tìm đầu ra tiêu thụ vì thương lái khắp nơi tự tìm đến đặt hàng. Không những thế, nơi đây từng là một trong những điểm đến được khách du lịch quan tâm, tới tham quan.

Chị Kim Lệ cho rằng, trong những năm gần đây, nghề dệt chiếu truyền thống đang dần bị mai một. Bởi sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng thay đổi. Bên cạnh đó, đất trồng cói là nguyên liệu chủ yếu cho nghề dệt chiếu bị thu hẹp đáng kể bởi quá trình đô thị hóa.

Thật thú vị khi được tận mắt chứng kiến cảnh tất bật của những nữ thợ lành nghề bên khung dệt. (Ảnh: Hương Thảo)
Thật thú vị khi được tận mắt chứng kiến cảnh tất bật của những nữ thợ lành nghề bên khung dệt. (Ảnh: Hương Thảo)

Đứng trước những thăng trầm của cuộc sống, trái tim yêu nghề của chị vẫn miệt mài với từng sản phẩm để mặt hàng thủ công có vị thế riêng trong lòng người tiêu dùng: “Sau khi làng nghề dệt chiếu ở quê bị mai một, tôi xin làm công nhân tại Công ty cổ phần Chế biến Lâm Thủy sản Khánh Hòa. Nhiều năm sau, Làng nghề Trường Sơn ra đời, tôi được công ty đưa đến đây làm việc với mục đích lưu giữ những nghề truyền thống hiện có. Tôi rất vui vì vừa có thu nhập mà bản thân tôi còn được duy trì nghề, biểu diễn, giới thiệu, hướng dẫn cách dệt chiếu tới du khách”, chị Kim Lệ bày tỏ.

Đảm bảo việc làm ổn định cho lao động làm nghề

Liên quan đến phục hồi nghề truyền thống, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, mục tiêu quan trọng, là tạo ra những sản phẩm đặc sắc, đặc trưng từ ngành nghề nông thôn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Tỉnh Khánh Hòa xác định trong 5 năm tới, sẽ dành khoảng 40 tỷ đồng để phát triển làng nghề; gần 80% số vốn này từ ngân sách nhà nước, còn lại của các chủ thể sản xuất. Hoạt động hỗ trợ của Nhà nước tập trung vào 3 nhiệm vụ chính: Bảo tồn các nghề truyền thống lâu đời, đang có nguy cơ mai một; khôi phục để phát triển một số nghề phát triển cầm chừng và mở rộng, nâng tầm các nghề, làng nghề đang phát triển tốt.

Để hoàn thành các mục tiêu nói trên, kế hoạch cũng đã đề ra những giải pháp như: Đào tạo nghề gắn với hỗ trợ phát triển nghề và giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp có sử dụng lao động nông nghiệp, các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn, làng nghề trong đào tạo để gắn lý thuyết và thực hành nhằm tạo đội ngũ lao động ngành nghề nông thôn có tay nghề, chất lượng.

Đồng thời, mở các lớp truyền nghề của nghệ nhân gắn với bảo tồn phát huy giá trị văn hóa các dân tộc và chương trình xây dựng nông thôn mới; khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề, đào tạo nghề, nhân cấy nghề mới tại các địa phương có điều kiện phát triển.