Những nữ "phu cá" ở cảng Hòn Rớ
Không chỉ tăng lương cơ sở, cần tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên 5 tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn công việc mới của người lao động |
Từ sáng sớm, những chiếc tàu lần lượt nối đuôi nhau trở về, hàng chục tấn hải sản được ngư dân đưa vào bờ sau chuyến ra khơi dài ngày, đó là cá ngừ đại dương, cá ngừ sọc dưa, mực và nhiều loại hải sản khác để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách.
Nhiều nữ "phu cá" tuổi đã lớn nhưng vẫn chăm chỉ lao động để mưu sinh. (Ảnh: Hương Thảo) |
Thương lái khắp nơi cũng sớm có mặt tại cảng để thu mua. Các loại cá ngay khi đưa lên từ hầm tàu được nhanh chóng chuyển đi tiêu thụ để giữ được sự tươi ngon. Vì thế, khi các tàu cập bến, không chỉ thương lái chờ đợi mà các lao động phổ thông, nhất là những nữ "phu cá" cũng túc trực sẵn, hối hả bốc xếp cá lên xe đông lạnh cho thương lái để vận chuyển đi các tỉnh lân cận. Khung cảnh cảng cá tấp nập kẻ mua người bán, ai cũng phấn khởi, vui tươi.
Những nữ "phu cá" này chủ yếu là người dân địa phương sinh sống tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, một số khác đến từ TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa hoặc đến từ tỉnh Phú Yên. Hoàn cảnh của các chị cũng phần lớn là khó khăn, thu nhập thấp. Đa số các chị đều làm những nghề khác nhau nhưng sáng sớm lại tranh thủ ra cảng kiếm thêm chút tiền.
Chẳng kể nắng, mưa hay giá rét, từ 4 đến 5 giờ sáng, những nữ "phu cá" đã ra cảng để làm việc, càng giáp Tết, họ càng mong có nhiều việc hơn để kiếm thêm thu nhập. Làm việc từ sáng đến trưa, tiếp xúc với nắng gió, hơi mặn từ biển nên làn da của những người phụ nữ này đều sạm đen.
Cá ngừ đại dương được đưa về từ khơi. (Ảnh: Hương Thảo) |
Vừa đứng chuyển từng thùng cá lên xe, người nhễ nhại mồ hôi, vừa trò chuyện với phóng viên, chị Nguyễn Thị Bé (40 tuổi, quê TP. Cam Ranh) cho biết, chị gắn bó với công việc này cũng nhiều năm nay, những ngày đầu mới làm, tiếp xúc trực tiếp với các loại cá, tay chị bị dị ứng và ngứa ngáy, chị định không làm nữa. Thế nhưng, bản thân chị chỉ học hết lớp 10, không có bằng cấp, tay nghề, khó xin việc làm nên chị tự nhủ phải cố gắng để làm công việc thời vụ này, vậy mà dần dần chị đã thích nghi và gắn bó quen thuộc với công việc "phu cá" nơi cảng Hòn Rớ.
Chị Bé cho biết thêm, thu nhập của chị phụ thuộc vào sản lượng đánh bắt của các tàu thuyền. Trung bình chị nhận được từ 150 đến 250 nghìn đồng/ngày. "Ngoài làm giúp việc theo giờ, tôi tranh thủ làm thêm việc bốc xếp cá, nhờ đó mà có thêm kinh phí trang trải cuộc sống gia đình và nuôi các con ăn học. Mong rằng từ nay đến Tết Nguyên đán, ngư dân được mùa cá, tôi có nhiều việc để làm và có thêm thu nhập", chị Bé nói.
Còn chị Trần Mai (45 tuổi, quê TP. Cam Ranh) chia sẻ, hằng tháng, vào các ngày từ mùng 10 đến 16 âm lịch, công việc sẽ nhiều bởi các tàu, thuyền đánh bắt xa bờ về nhiều, sản lượng ổn định. Lúc đó, những "phu cá" như chị làm việc không ngừng tay, thu nhập trong những ngày này cũng tăng gấp đôi so với ngày bình thường.
"Làm nghề này dùng sức người là chính nên ai có sức khỏe tốt, làm việc đạt năng suất sẽ có thu nhập cao hơn. Dù có vất vả, đặc thù nhưng có được công việc đều đặn mỗi ngày, chúng tôi cũng vui và thấy khoẻ ra. Nhất là khi đến cảng, các chị em được trò chuyện, chia sẻ với nhau, rồi thấy trời yên, biển lặng, thuyền về bội thu, chúng tôi cũng mừng cho mọi người", chị Mai cười nói.
Nhìn những người phụ nữ vất vả mưu sinh nơi Cảng cá Hòn Rớ, ăn sóng nói gió, thoăn thoắt bàn tay và nói cười vui vẻ trong làn da rám nắng, càng thấy yêu, thấy trân trọng tinh thần lao động hăng say và nét đẹp lao động trong họ. Mong rằng, họ luôn giữ được sức khoẻ, niềm vui trong công việc và niềm tin về cuộc sống yên bình, no đủ.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, trong 11 tháng năm 2022, tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng trong toàn tỉnh đạt 105.000 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thủy sản khai thác đạt 90.000 tấn, tăng 1,6% (riêng sản lượng cá ngừ vây vàng, mắt to đạt 2.625 tấn, tương đương thời điểm này năm trước); sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 15.000 tấn, tăng 7%. |
Hương Thảo
Bình luận