Nắm vững quy tắc xuất xứ để tăng kim ngạch xuất khẩu vào EU
Công nghiệp chế biến chiếm gần 86% tổng kim ngạch xuất khẩu CPTPP: “Đòn bẩy” cho hàng xuất khẩu Việt Nam Đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để nông sản Việt nhập vào châu Âu |
Những năm qua, đa số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) đều có mức tăng trưởng cao. Đặc biệt, sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã đạt khoảng 83 tỷ USD, tăng trưởng xấp xỉ 15% so với giai đoạn trước khi có hiệp định. Ngay trong 2 quý đầu năm 2022, trị giá hàng hóa xin Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu EUR.1 khoảng 5,8 tỷ USD, tương đương với khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu sang EU trong giai đoạn này.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận xét, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam, việc thực thi EVFTA đã tạo ra xung lực rất tốt cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
“Bên cạnh EVFTA, thị trường EU hiện vẫn duy trì chương trình ưu đãi theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Trong bối cảnh như vậy, tỷ lệ xin Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu EUR.1 vẫn đang ở mức 25%, tương đương với mức nhiều FTA khác sau một vài năm mới đạt được cho thấy DN Việt Nam đã nắm rõ và hiểu được giá trị của hiệp định cũng như vai trò của chứng nhận xuất xứ”, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu phân tích.
Thị trường EU còn dư địa rất lớn cho tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm nông sản Việt Nam. |
Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu vào EU đã có nhiều cải thiện trong thời gian qua, nhưng nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu vẫn còn chủ yếu dưới dạng thô, cạnh tranh về giá ở phân khúc thấp; các nhóm hàng nông sản xuất khẩu sang EU mới chỉ tập trung vào 3 nhóm cà phê, trái cây và hạt tiêu.
Những hạn chế này đến từ nội tại ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam, tạo nên những thách thức không nhỏ đối với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt Nam vào EU và gia tăng thị phần mà Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, thị phần hàng Việt tại EU vẫn còn khá khiêm tốn khi rau quả Việt tại EU chiếm chưa đến 4%; thủy sản chưa đến 8% và xuất khẩu gạo vào EU cũng còn khá thấp.
Do đó, cần xem tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường EU của Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành nói riêng, nhất là tỷ trọng xuất khẩu của một số địa phương vào thị trường EU hiện nay chưa đến đến 15-20%.
“Việt Nam đang tập trung quá nhiều vào thị trường truyền thống, thị trường Đông Á. Thị trường EU rất lớn và hiệu quả nhưng chưa đủ tập trung nên dư địa tăng trưởng còn rất lớn”, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên nói.
Để chinh phục thị trường EU và được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA, hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam cần đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hoá. So với các FTA mà Việt Nam đang thực thi, quy định về quy tắc xuất xứ hàng hoá đối với hàng nông sản trong Hiệp định EVFTA được đánh giá là chặt chẽ hơn khi tiêu chí xuất xứ hàng hoá áp dụng chủ yếu là xuất xứ thuần tuý.
Bên cạnh đó, EU là một thị trường có đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật. Vì vậy, các chính sách quản lý nông sản của EU nghiêm ngặt, đặc biệt các rào cản kỹ thuật của EU với nông sản thực phẩm có xu hướng ngày càng khắt khe hơn…
Nhận định về điều này, ông Trần Thanh Hải cho rằng, thách thức lớn nhất trong tận dụng EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu sang EU là phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa và quy tắc truy xuất nguồn gốc.
“Những điều kiện này là căn cốt vì đó là hàng rào cơ bản hiện nay, bất kỳ quốc gia nào cũng có thể dựng lên. Quy tắc xuất xứ đối với một số mặt hàng xuất khẩu vào EU giữa Hiệp định EVFTA và các FTA là có khác nhau, nên các doanh nghiệp trong từng ngành hàng cần chủ động tìm hiểu thêm”, ông Hải nói.
Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu còn lưu ý đến việc xây dựng chỗ đứng của DN trên thị trường EU, thông qua việc xây dựng và định vị thương hiệu. Điều này đòi hỏi chiến lược và sự đầu tư bài bản, tư vấn của chuyên gia…, làm sao để DN Việt không chỉ bán được hàng mà phải bán được hàng có thương hiệu.
Xuất khẩu sang EU cần đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa và quy tắc truy xuất nguồn gốc. |
Từ góc độ ngành hàng xuất khẩu, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, khi xuất khẩu sang EU, thách thức lớn đối với thuỷ sản là đảm bảo quy tắc xuất xứ. Mặc dù, VASEP và Bộ Công Thương đã có nhiều chương trình phối hợp đào tạo cho DN đảm bảo về chứng nhận xuất xứ (C/O), nhưng cũng không tránh khỏi việc không tìm hiểu kỹ. Do từng thị trường có những kiểm soát riêng, dẫn tới những hiểu lầm về chứng nhận quy tắc xuất xứ.
Vì vậy bà Hằng đề xuất tiếp tục có thêm sự hỗ trợ từ phía Bộ Công Thương để hướng dẫn DN tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan trong EVFTA, cũng như áp dụng tốt nhất các quy tắc xuất xứ, giảm bớt vướng mắc khi xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU, tránh nguy cơ mất thị trường gây thiệt hại hàng trăm triệu USD, khi EU là thị trường có tính định hướng chi phối các thị trường khác trong việc kiểm soát chặt về quy tắc xuất xứ./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
Bình luận