Đà Nẵng: Thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch ban đêm Tạo "bệ phóng" cho ngành dược từ thu hút đầu tư nước ngoài

Nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh

PCI là một thước đo quan trọng để đánh giá mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền cấp tỉnh dựa trên 10 lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Để nâng cao chỉ số này, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã tăng cường chỉ đạo và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm tạo sự thay đổi từ các chỉ số thành phần.

Nâng cao chỉ số PCI, thu hút đầu tư vào khu vực Bắc Trung Bộ
Từ việc đẩy mạnh PCI, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, tỉnh Nghệ An đã thu hút dòng vốn đầu tư tăng vượt trội.

Năm 2023, Thanh Hóa nằm trong tốp 30 địa phương đứng đầu Bảng xếp hạng PCI. Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, kết quả này thể hiện sự đánh giá công tâm, khách quan của nhà đầu tư, doanh nghiệp, ghi nhận đúng mức những nỗ lực của hệ thống chính trị, các cấp chính quyền toàn tỉnh trong việc thực hiện mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng và sự hài lòng trong phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

Đối với tỉnh Nghệ An, năm 2023, PCI đạt 65,72 điểm, xếp thứ 44 cả nước, xếp thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ. Năm 2024, Nghệ An phấn đấu xếp vị trí 20 - 25 cả nước và đến năm 2025 nằm trong top 15. Để nâng cao PCI, UBND tỉnh Nghệ An thường xuyên yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Đề án "Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025". Đặc biệt, các sở, ban ngành, địa phương đã chủ động nghiên cứu kết quả thực hiện các chỉ số thành phần, chỉ tiêu cơ sở liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, nghiêm túc đánh giá các tồn tại, hạn chế, có các giải pháp khắc phục. Trong đó, tập trung đẩy mạnh các chỉ số: Cạnh tranh bình đẳng; tiếp cận đất đai; tính năng động và tiên phong của chính quyền; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; chi phí không chính thức.

Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2022, tỉnh Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương có môi trường đầu tư năng động, hấp dẫn khi PCI xếp thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước và xếp thứ 2 trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Đây là vị trí cao nhất của Hà Tĩnh đạt được trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2022, khi liên tục duy trì ở vị trí thứ 27-21/63 tỉnh, thành phố. Hiện nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các sở, ngành và địa phương đặc biệt quan tâm đến PCI, bởi chỉ số này không chỉ liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ mà còn là vị thế và hình ảnh của tỉnh.

Thu hút đầu tư mạnh mẽ

Từ việc nâng cao PCI đã góp phần giúp 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh thu hút đầu tư hiệu quả, vượt chỉ tiêu, mục tiêu đề ra trong thời gian qua.

Tại Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thu hút 12 dự án FDI, tăng 78,8% so với cùng kỳ, tổng vốn đầu tư đăng ký 177,5 triệu USD, tăng 35,1% so với cùng kỳ; trong đó có 10 dự án FDI trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 2 dự án trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Trong năm 2024, tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng thu hút được trên 20 dự án FDI mới, với vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,5 tỷ USD; trong đó có một số dự án quy mô lớn, như: Nhà máy Điện khí LNG Nghi Sơn, vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,5 tỷ USD; Dự án Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa của Tập đoàn Sumitomo (400 triệu USD); Dự án Trung tâm Thương mại Aeon mall (170 triệu USD), 2 dự án Khu công nghiệp của Tập đoàn WHA (110 triệu USD); Dự án hệ thống cấp nước thô chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 47, thành phố Thanh Hóa và vùng phụ cận (2.545,8 tỷ đồng); Dự án Nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa, huyện Bá Thước (3.199 tỷ đồng),…Thanh Hóa cũng đặt kỳ vọng thu hút thành công 30 tỷ USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp trong giai đoạn 2021 - 2025.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư; tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh; tạo sức hấp dẫn thu hút nguồn vốn FDI lớn của tỉnh ở khu vực miền Trung.

Đối với tỉnh Nghệ An, 3 năm qua, dòng vốn đầu tư vào địa bàn tăng vượt trội; riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chính thức vượt mốc 1,6 tỷ USD, nằm trong tốp 10 các tỉnh, thành phố trên cả nước. Để có được kết quả trên, Nghệ An đã có sự chuẩn bị bài bản các nền tảng, hệ sinh thái để chào đón các nhà đầu tư, đặc biệt là thực hiện “5 sẵn sàng” gồm: Quy hoạch; hạ tầng thiết yếu; mặt bằng đầu tư; nguồn nhân lực; hỗ trợ thủ tục cho nhà đầu tư, kịp thời giải quyết những vướng mắc. Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang gấp rút giải phóng mặt bằng để triển khai Khu công nghiệp VSIP Nghệ An II với diện tích 500 ha (tại Khu công nghiệp Thọ Lộc, Diễn Châu) và Khu công nghiệp Hoàng Mai II với diện tích hơn 334 ha (tại thị xã Hoàng Mai) để sẵn sàng đón các nhà đầu tư.

Tính đến ngày 30/6/2024, toàn tỉnh đã thu hút được 71 dự án đầu tư trực tiếp, tăng 91,9% so với cùng kỳ (trong đó, có 15 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 11.615 tỷ đồng (tăng 22,3% so với cùng kỳ) và 184,4 triệu USD (tăng 23,8% so với cùng kỳ); mua cổ phần, vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với 1 công ty, với tổng vốn góp là 23.700 triệu đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 3 dự án, với số vốn tăng 3,44 triệu USD.

Hà Tĩnh cũng tiếp tục chấp thuận một số dự án quy mô lớn trong năm 2024 như: Dự án đường dây 500KV Vũng Áng - rẽ Hà Tĩnh - Đà Nẵng (mạch 3,4) với quy mô diện tích hơn 61 ha, tổng vốn đăng ký hơn 673 tỷ đồng; Khu dân cư tại xã Phú Phong (huyện Hương Khê) với quy mô diện tích 9,83 ha, tổng vốn đăng ký hơn 154 tỷ đồng; Nhà máy Sản xuất ván ép xuất khẩu (huyện Nghi Xuân) của Công ty TNHH SX&TM Wintech với quy mô diện tích 4,32 ha, tổng vốn đăng ký hơn 125 tỷ đồng. Nhiều dự án lớn từ các năm trước đang tiếp tục được tỉnh đôn đốc triển khai thực hiện

Võ Liễu