Du lịch Việt Nam còn nhiều dư địa “hút” vốn FDI Ngành bán lẻ Việt Nam: “Cuộc đua” khốc liệt với doanh nghiệp nước ngoài Kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam

Lợi thế lớn nhất cho phát triển ngành dược Việt Nam chính là quy mô thị trường lớn với khoảng 100 triệu dân. Sau đại dịch Covid-19, người dân ngày càng quan tâm đến sức khỏe, trong đó tầng lớp trung lưu chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ y tế trong khi Chính phủ rất nỗ lực phát triển dịch vụ chăm sóc y tế để người dân tiếp cận một cách dễ dàng, thuận tiện hơn.

Hiện quy mô thị trường dược phẩm nước ta đạt 7 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng 11%/năm, ngành dược phẩm dự báo có thể đạt đến 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Quy mô thị trường tăng trưởng nhanh như vậy đã tạo ra sức hút, khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo “Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược”, Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, trong giai đoạn 2001 - 2011, thị phần thuốc trong nước chỉ dừng lại ở con số 17% nhưng đến nay đã tăng lên 46%.

Tốc độ tăng trưởng nhanh cho thấy doanh nghiệp trong nước có năng lực nắm bắt và khai thác thị trường ở những phân khúc chưa bị hàng rào về độc quyền, sở hữu trí tuệ và sản phẩm cao cấp khác.

Tạo
Ngành dược phẩm dự báo có thể đạt đến 16,1 tỷ USD vào năm 2026 (Ảnh minh họa).

Theo ông Nguyễn Tú Anh, Việt Nam có nguồn dược liệu phong phú, thuận tiện cho các doanh nghiệp khai thác. Là một thị trường mở, Việt Nam được các nhà đầu tư đánh giá cao, có nhiều khả năng để trở thành trung tâm sản xuất hàng hoá phục vụ xuất khẩu.

Trong đó, bài học thành công của ngành công nghiệp điện tử được xem như điển hình cho việc Việt Nam có thể tự tin tận dụng tốt lợi thế, phát triển và mở rộng quy mô ngành dược - một trong những ngành sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.

Có thể thấy, thời gian qua, nhiều tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới đã rót vốn đầu tư, hợp tác với một số thương hiệu trong nước. Tuy nhiên, so với quy mô tiềm năng, vốn ngoại chưa được như kỳ vọng. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Tú Anh cho biết, đặc trưng lớn nhất của ngành dược phẩm là có tính độc quyền tự nhiên do hàm lượng tri thức rất cao và chi phí đầu tư rất lớn, nhất là kinh phí đầu tư cho cải tiến sản phẩm (R&D).

Bởi vậy, ngành dược phẩm tại nước đang phát triển như Việt Nam thật khó để gia nhập và phát triển. Ngay cả đối với những nước đã phát triển cũng không dễ để tạo ra sản phẩm dược phẩm mang tính toàn cầu.

Chẳng hạn như Hàn Quốc, Trung Quốc, dù kinh tế phát triển nhưng để có sản phẩm dược phẩm cạnh tranh cũng khá khó khăn. Trong cả một vạn nghiên cứu sản phẩm dược phẩm, đôi khi chỉ có một nghiên cứu thành công và tỷ lệ thương mại hoá sản phẩm còn ít hơn. Chưa kể, trong hợp tác đầu tư, doanh nghiệp trong nước chưa sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cao về quản trị, năng lực tiếp nhận công nghệ cao.

Để tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, cũng như ngành điện tử, phát triển ngành dược không thể không tính đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nhằm tạo ra bệ phóng, lan toả tri thức và công nghệ.

Ngoài ra, bản chất của ngành dược là tác động đến sức khoẻ của người dân nên việc tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng là vấn đề rất quan trọng. Cần hướng đến việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và chuẩn hoá quy trình sản xuất, kể cả sản xuất dược phẩm truyền thống trong nước.

Đầu tư cho ngành dược cần kinh phí lớn nhưng rủi ro cao nên đầu tư cơ bản cho nghiên cứu cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Vai trò của Nhà nước được thể hiện trong việc sử dụng công cụ rất lớn, đó là quỹ bảo hiểm y tế. Công cụ này cần được sử dụng để khuyến khích phát triển ngành dược bởi bảo hiểm y tế có thể được xem như yếu tố dẫn dắt thị trường, tạo lập thị trường và định hướng thị trường.

Diệp Anh