Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng tháo gỡ khó khăn cho dự án bất động sản 10 vấn đề doanh nghiệp bất động sản xin tháo gỡ
Nên cởi trói room tín dụng ngành bất động sản
Các chuyên gia cho rằng, không nên bó cứng room tín dụng cho toàn ngành, nhất là bất động sản. Ảnh: Phan Anh

Nghẽn tiền tại nhiều kênh huy động

Chia sẻ tại talkshow Chọn danh mục kỳ 4 “Gỡ nghẽn dòng tiền”, TS Trần Minh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Smart Invest (AAS) - cho biết: "Khi tiếp cận các kênh huy động vốn đều gặp khó khăn, việc nội tại doanh nghiệp tự tạo ra dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh càng khó khăn hơn, đặc biệt là ngành bất động sản. Khi toàn bộ các nhóm ngành bất động sản khó khăn trong việc tiếp cận vốn, các ngành khác cũng bị liên quan.

Điều này dần dần làm thu hẹp sản xuất kinh doanh khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tục duy trì hoạt động. Chưa nói đến việc mở rộng hoặc yếu tố ngoại cảnh như đơn hàng xuất khẩu bị chậm hay nhu cầu trên thế giới sụt giảm, dẫn đến dòng vốn luân chuyển trong doanh nghiệp bị khó".

Bổ sung thêm, TS Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - còn chỉ ra vấn đề tâm lý thị trường hiện nay là phòng thủ cao. Người có tiền nhưng không muốn giải ngân và coi tiền mặt là vua.

Ông Thành cho rằng, hiện nay cần giải quyết ba bài toán. Thứ nhất là ổn định vĩ mô chứ không chỉ đơn thuần là lạm phát. Thứ hai là tỉ giá và cán cân quốc tế. Thứ ba là vấn đề an toàn của hệ thống ngân hàng.

"Cái giỏi cái khéo khi tìm điểm cân bằng để làm sao có thể khó nhưng không khó quá, có thể tác động tiêu cực nhưng không tiêu cực quá. Quan trọng nhất là không gây ra sự đổ vỡ ở thị trường bất động sản, hệ thống ngân hàng hay niềm tin thị trường và xã hội" - tiến sĩ Thành nhấn mạnh.

Ông Võ Trí Thành cho biết, từ câu chuyện chính sách đến các kênh dẫn vốn tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu đều đang gặp khó. Ảnh: Đức Mạnh

Không nên bó cứng room tín dụng cho toàn ngành

TS. Trần Minh Tuấn đưa quan điểm: "Chúng ta cần gỡ nghẽn cho thị trường trái phiếu. Trước đây, quy mô thị trường trái phiếu chưa lớn nên việc biến động ra sao không mấy ảnh hưởng đến thị trường tài chính nói chung. Nhưng với quy mô như hiện tại, thị trường trái phiếu bị nghẽn làm mất niềm tin của nhà đầu tư, từ đó dẫn đến các thị trường vốn khác cũng bị nghẽn lại và sụt giảm".

Theo ông Tuấn, room tín dụng cũng là vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước nên xem xét để điều chỉnh cho phù hợp. Khi room tín dụng vẫn là một công cụ để kiểm soát cung tiền trên thị trường thì có thể linh hoạt hơn bằng cách giao tỉ lệ tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại từ đầu năm. Ngân hàng Nhà nước nên có những tính toán và xem xét xem những ngân hàng thương mại nào đảm bảo các điều kiện để giao room từ đầu năm và chủ động điều tiết trong room đó.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng lưu ý về việc xem xét không nên bó cứng room tín dụng cho toàn ngành mà chỉ nên ở một số phân ngành có tính chất đầu cơ cao.

"Bất động sản cũng là một phân ngành mà chúng ta phải lựa chọn xem nhóm ngành nào cần phải bó cứng room tín dụng. Rõ ràng những dự án bất động sản tốt không nên bó cứng vì như vậy sẽ dẫn đến giá bất động sản thậm chí không giảm đi mà còn tăng lên. Việc tiếp cận với bất động sản của những người có nhu cầu sẽ ngày càng khó bởi lượng cung trên thị trường ít" - vị chuyên gia nói.

Theo ĐỨC MẠNH/laodong.vn

https://laodong.vn/kinh-doanh/nen-coi-troi-room-tin-dung-nganh-bat-dong-san-1118415.ldo