Đón đoàn khách quốc tế đầu tiên tới TP.HCM bằng đường sông sau 2 năm đại dịch Kinh tế TP.HCM tăng trưởng khả quan trong 6 tháng đầu năm 2022 Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống thu phí ETC trên địa bàn TP.HCM

Ngành bán lẻ của TP.HCM tính đến tháng 6/2022 vẫn tiếp tục phục hồi, tăng trưởng khả quan so với thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn TP.HCM vẫn đứng trước những thách thức khi chịu tác động của giá xăng dầu ở mức cao, tình hình lạm phát toàn cầu và những bất ổn về địa chính trị thế giới.

Trong tháng 6/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP.HCM đạt 99.657 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 41,1% so với cùng kỳ năm trước. Quý 2/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM đạt 292.097 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ. So với quý 1/2022, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố đã tăng 10,5%.

Ngành bán lẻ TP.HCM khởi sắc sau 2 năm đại dịch Covid-19
Ngành bán lẻ TP.HCM phục hồi khả quan sau dịch Covid-19.

Nhận xét về tình hình hoạt động của thị trường bán lẻ trong 6 tháng đầu năm 2022, bà Thanh Phạm, Phó Giám đốc – Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Công ty CBRE Việt Nam cho biết: Thị trường kỳ vọng sẽ tăng mạnh khi nhu cầu thuê tăng đáng kể. Các trung tâm thương mại đã bắt đầu làm mới cơ cấu khách thuê của mình để nâng cấp trải nghiệm mua sắm cho khách hàng.

Trong quý 2/2022, thị trường bán lẻ ở TP.HCM chứng kiến nhiều hoạt động sôi nổi vói sự gia nhập mới và hoạt động mở rộng của các thương hiệu, đặc biệt là sự xuất hiện của một số thương hiệu quốc tế ngành thời trang, thể thao, dịch vụ ăn uống. Theo ghi nhận của CBRE có khoảng 40% số thương hiệu mở cửa hàng mới trong quý 2/2022 tại Crescent Mall quận 7, nổi bật là Hermès Beauty và Som Tum Thai, Skechers.

Đáng chú ý, Guerlain Ultimate Boutique cũng đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Đông Nam Á vào tháng 6 năm nay. Những cái tên đáng chú ý khác là Digibox với Đại lý ủy quyền đầu tiên của Apple tại Việt Nam tại Estella Place thành phố Thủ Đức và Baccarat tại Khách sạn Sheraton Sài Gòn, quận 1. Ngoài ra, sắp tới thị trường sẽ chào đón thêm nhiều thương hiệu quốc tế thuộc các lĩnh vực thời trang, F&B, nội thất…

Ngành bán lẻ TP.HCM khởi sắc sau 2 năm đại dịch Covid-19
Gía thuê mặt bằng đang có mức tăng trưởng ở cả khu vực trung tâm và ngoài trung tâm TP.HCM. Nguồn: Bộ phận Nghiên cứu JLL.

Về giá thuê mặt bằng, tại khu vực trung tâm và ngoài trung tâm TP.HCM đều có mức tăng trưởng đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2022. Giá chào thuê trung bình tại tầng trệt của các trung tâm mua sắm ở khu vực trung tâm đạt mức đỉnh mới 206 USD/m2/tháng, tăng khoảng 50% theo năm, gấp hơn 7,5 lần so với giá thuê ở khu vực ngoài trung tâm (27 USD/m2/tháng). Đáng chú ý, giá thuê tại một số địa điểm đắc địa ở khu vực trung tâm thậm chí được ghi nhận lên tới 250-350 USD/m2/tháng.

Đánh giá triển vọng về nguồn cung mặt bằng bán lẻ, báo cáo của Công ty Jones Lang Lasalle cho biết, với bối cảnh tình hình dịch đã được kiểm soát và triển vọng lạc quan trong thời gian sắp tới, các trung tâm thương mại phải dời lịch khánh thành do ảnh hưởng của lệnh giãn cách xã hội có khả năng cao sẽ được khai trương trong năm 2022, cung cấp cho thị trường nguồn cung mới lên đến hơn 100.000 m2 sàn cho thuê.

Nguồn cung mới ở các vị trí tốt và có chiến lược cho thuê hợp lý sẽ giúp tăng giá thuê trung bình trên cơ sở kinh tế hồi phục sau đại dịch. Bên cạnh đó, giá thuê ở các trung tâm thương mại hiện hữu dự báo sẽ tăng nhẹ, đi cùng với nhu cầu mở rộng mặt bằng của các chuỗi bán lẻ mới nổi. Ngành hàng ăn uống, của hàng tiện lợi và nhà thuốc dự báo sẽ dẫn dắt nhu cầu trong những tháng còn lại của năm 2022.

Ngành bán lẻ TP.HCM khởi sắc sau 2 năm đại dịch Covid-19
Các doanh nghiệp mảng bán lẻ đang nỗ lực mở lại hoạt động và tăng trưởng theo nhu cầu của thị trường nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự sẽ tăng cao trong 3 tháng đến 6 tháng tới.

"Nhìn chung, các nhà bán lẻ vẫn bày tỏ sự lạc quan vào tình hình hoạt động kinh doanh năm nay, mặc dù áp lực lạm phát gia tăng đối với nền kinh tế có thể khiến tốc độ phục hồi của thị trường bị ảnh hưởng ít nhiều. Những lo ngại về khó khăn, sức ép lạm phát tiếp tục tăng thời gian tới đối với nền kinh tế trong nước dự báo sẽ ảnh hưởng đến mảng bán lẻ khi giá nguyên vật liệu, hàng hoá tiêu dùng tăng, ảnh hưởng đến sức tiêu dùng và chỉ số niềm tin người tiêu dùng", bà Thanh Phạm, Phó Giám đốc – Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Việt Nam chia sẻ.

Về nguồn nhân lực ngành bán lẻ, theo báo cáo của Navigos Group, quý 2/2022 chứng kiến sự sôi động về tìm kiếm các cơ hội mới của các ứng viên trong ngành bán lẻ. Sau dịch Covid-19, các ứng viên trong ngành này thường yêu cầu mức lương cao hơn từ 30% - 50% so với mức lương trước đó. Lý do được đưa ra là do ảnh hưởng của 2 năm Covid nên họ không được tăng lương, thậm chí giảm lương nên khi ứng tuyển họ đưa ra mức lương mong đợi cao hơn năm trước đó.

Các ứng viên có xu hướng bảo đảm việc làm cao nên đưa ra mức lương cơ bản càng cao càng tốt. Bên cạnh đó, ứng viên ngành này cũng rất quan tâm đến mô hình làm việc linh hoạt kết hợp tại nhà và văn phòng (hybrid) hoặc làm việc tại nhà toàn thời gian (remote working). Dự báo các doanh nghiệp mảng bán lẻ đang nỗ lực mở lại hoạt động và tăng trưởng theo nhu cầu của thị trường nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự sẽ tăng cao trong 3 tháng đến 6 tháng tới.