Dùng năng lượng sạch, xu thế tất yếu để phát triển giao thông bền vững Chia sẻ các rủi ro, hài hoà lợi ích để thu hút nhà đầu tư BOT tại Việt Nam Hà Nội nỗ lực phát triển "giao thông xanh" từ giải pháp xe đạp công cộng
Nganh giao thong van tai don song phuc hoi tang truong sau dich hinh anh 1

Hành khách theo dõi lịch bay của hãng hàng không tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Chịu ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp của đại dịch COVID-19, tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành giao thông vận tải đã có bước phục hồi nhanh chóng, thể hiện qua những con số tăng trưởng mạnh của lĩnh vực hàng không.

Cùng với đó, ngành này cũng ghi nhận kết quả tích cực từ việc triển khai nhiều dự án trọng điểm, đặc biệt là cao tốc Bắc-Nam, thúc đẩy tiến độ dự án, góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế chung sau đại dịch.

Hàng không phục hồi rõ nét

Theo đánh giá mới nhất vừa được công bố từ Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không nội địa Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới, với đà tăng trưởng là 123% so với cùng kỳ năm 2019 (năm trước khi có đại dịch COVID-19).

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng sự bứt phá ngoạn mục về sản lượng hàng không nội địa đã chứng minh cho sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong thời gian qua với nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để phát triển ngành hàng không, đảm bảo tăng trưởng ổn định, bền vững, hiệu quả.

Cụ thể, sản lượng hành khách và hàng hóa 6 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, tăng 904,6%. Khách nội địa đạt 38,9 triệu khách, tăng 52,6%.

“Trong cả năm 2022, các cảng hàng không trên cả nước dự kiến sẽ đón khoảng 87,8 triệu khách, tăng 190% so với năm 2021. Hy vọng, với đà tăng trưởng của thị trường nội địa, dự kiến tổng thị trường toàn mạng bay sẽ sớm khôi phục tương đương như trước đại dịch COVID-19,” lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam chia sẻ.

Song Cục trưởng Đinh Việt Thắng cũng thừa nhận dù phần lớn các đường bay quốc tế đã được khôi phục nhưng các thị trường trọng yếu, chiếm tỷ trọng lớn về lượng khách như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... hiện vẫn duy trì các chính sách hạn chế về xuất nhập cảnh và duy trì các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, giá dầu liên tục tăng thời gian qua và chưa có tín hiệu giảm nhiệt đã gây áp lực, trở thành thách thức không nhỏ đến các hãng hàng không nói riêng và ngành hàng không nói chung...

Cùng với ngành hàng không, ngành hàng hải tiếp tục cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ. Tin vui với ngành hàng hải khi Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Chỉ số CPPI (Chỉ số hoạt động cảng container) cho 370 cảng container toàn cầu, bao gồm cảng Hub Port trung tâm trung chuyển quốc tế và cảng cửa ngõ xuất nhập khẩu quốc gia. Trong đó, cụm cảng Cái Mép (tỉnh bà Rịa – Vũng Tàu) được xếp hạng thứ 11 CPPI (tính thống kê trung bình tất cả 5 kích cỡ tàu) và thứ 13 (tính kỹ thuật, trọng số cao hơn cho kích cỡ tàu phổ biến ở cảng đó).

Ông Nguyễn Đình Việt, quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết nhờ chủ động thực hiện nhiều giải pháp, tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn giữ được nhịp tăng trưởng. Trong 5 tháng đầu năm, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt trên 304 triệu tấn, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2021.

Đánh giá về cơ hội phục hồi của ngành hàng hải sau đại dịch, đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho hay cảng biển chủ yếu phục vụ các doanh nghiệp nên tốc độ tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế và mức độ phát triển của doanh nghiệp. Do đó, khi kinh tế phát triển chắc chắn ngành hàng hải sẽ có cơ hội phục hồi nhanh trong thời gian tới.

Trong khi đó, đường bộ, đường sắt cũng có những dấu hiệu phục hồi mặc dù còn chậm, đặc biệt, các doanh nghiệp vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn khi giá nhiên liệu tăng cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông dự báo, nếu nền kinh tế tiếp tục khởi sắc trong những quý tới thì hai ngành này cũng sẽ bớt khó khăn, tiến tới phục hồi và phát triển.

Kết quả giải ngân khả quan

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm chia sẻ chưa bao giờ Chính phủ lại dành nhiều nguồn lực cho phát triển hạ tầng trọng điểm như thời gian vừa qua. Ngoài nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025, mới đây, Quốc hội cũng đồng ý chủ trương dành khoảng 114.000 tỷ đồng trong gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng.

Nganh giao thong van tai don song phuc hoi tang truong sau dich hinh anh 2
Thi công cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bên cạnh đó, hàng loạt các chính sách đã thông thoáng hơn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng, thể hiện tính cấp bách và mong mỏi việc sớm có các công trình dự án góp phần tăng trưởng kinh tế cho đất nước.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết đến thời điểm này, trong 10 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam đang thi công, có 8 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ. Hiện nhiều ban quản lý dự án thuộc dự án cao tốc đường bộ Bắc-Nam giai đoạn 1 đã đặt ra mục tiêu cơ bản hoàn thành trước 3 tháng. Nghĩa là, ngay trong năm nay sẽ có 4 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc đường bộ Bắc-Nam giai đoạn 1 gồm đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây được hoàn thành và đưa vào khai thác.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 50.000 tỷ đồng - kế hoạch giao lớn nhất từ trước tới nay, chiếm gần 10% kế hoạch vốn 2022 của cả nước. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải ngay từ đầu năm đã xác định đây là nhiệm vụ nặng nề cần phải có những giải pháp cụ thể để giải ngân kịp thời nguồn vốn trên.

Cụ thể, lãnh đạo Bộ họp hàng tuần để kiểm điểm tiến độ giải ngân từng dự án, đặc biệt là giải pháp quy trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị của bộ. Nhờ đó, Bộ Giao thông Vận tải thời gian qua luôn đứng trong nhóm đầu về giải ngân các nguồn vốn.

Dự kiến, đến hết tháng 6/2022, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân khoảng 17.200 tỷ đồng, đạt 39,8% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 34,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, gồm: 1.843 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 37,8% và 15.357 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 33,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Đánh giá về bức tranh chung của ngành giao thông vận tải, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt là kết quả giải ngân tốt, góp phần vào việc phục hồi chung của nền kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên vẫn cần những chính sách và giải pháp cụ thể để ngành giao thông vận tải phục hồi nhanh và bền vững.

Tiến sỹ Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không và hệ thống cơ sở hạ tầng có liên quan tới hoạt động của ngành hàng không.

Về giải pháp trước mắt để phục hồi ngành hàng không, Chính phủ cần tiếp tục đàm phán để mở rộng phạm vi thừa nhận "hộ chiếu vaccine" của Việt Nam, thỏa thuận các quy trình, thủ tục với hành khách bay đi và đến Việt Nam để tạo điều kiện cho hành khách bay quốc tế...

Một chuyên gia kinh tế nhìn nhận nguồn vốn đầu tư công chủ yếu dồn vào các dự án hạ tầng, công trình giao thông trọng điểm sẽ tạo động lực phát triển, đẩy nhanh việc thu hút đầu tư xã hội, giúp nền kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, lo lắng lớn nhất lúc này chính là khả năng hấp thụ vốn, giải ngân vốn đầu tư từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bởi thực tiễn cho thấy tiến độ đầu tư các dự án ngành giao thông phụ thuộc rất lớn vào nhiều yếu tố như: tiến độ giải phóng mặt bằng; điều kiện cung cấp vật liệu, điều kiện địa chất công trình, điều kiện thời tiết của các vùng miền; năng lực thực hiện.

Chính vì vậy, bên cạnh một số cơ chế đặc thù về đấu thầu, cung cấp vật liệu…, để không rơi vào tình trạng bội thực, có vốn mà không hấp thụ được, cần phải có quyết tâm lớn của toàn hệ thống chính trị, các địa phương; trong đó Bộ Giao thông Vận tải là lực lượng chủ công./.

Theo Quang Toàn/TTXVN/Vietnam+

https://www.vietnamplus.vn/nganh-giao-thong-van-tai-don-song-phuc-hoi-tang-truong-sau-dich/802727.vnp