TP.HCM: Ưu tiên tháo gỡ vướng mắc dự án nhà ở xã hội có pháp lý rõ ràng TP.HCM: Nâng cao kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh cho học sinh TP.HCM: Lập đoàn kiểm tra các dự án nhà ở xã hội

Ngày 31/8, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức tọa đàm "Lực đẩy phát triển từ Nghị quyết 98/2023/QH15” (Nghị quyết 98).

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông khẳng định: Trung ương rất quan tâm đến TP.HCM khi xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng Thành phố trong huy động nguồn lực và thể hiện rõ quyết tâm xác định TP.HCM là đầu tàu kinh tế của đất nước, là trung tâm kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, là thành phố đáng sống, cạnh tranh được với khu vực và quốc tế.

Nhấn mạnh đến quy định trong điều khoản thi hành của Nghị quyết 98, Thứ trưởng Trần Duy Đông thông tin, ngoài cơ chế chính sách được quy định tại Nghị quyết 98, Quốc hội cũng có điều khoản trong quá trình triển khai, trường hợp cần những ưu đãi đặc biệt, cần huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thì TP.HCM phối hợp với Chính phủ báo cáo cơ cơ quan có thẩm quyền báo cáo Quốc hội. Trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Thành phố để thực hiện lập quy hoạch của Thành phố và quy hoạch vùng Đông Nam Bộ một cách đồng bộ, thể hiện được TP.HCM là trung tâm, là đầu tàu của cả vùng.

Nghị quyết 98: Lực đẩy mới cho tăng trưởng của TP.HCM
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông khẳng định phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTBC.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, mục tiêu của Nghị quyết 98 chính là đưa TP.HCM trở lại quỹ đạo phát triển với tư cách là đầu tàu kinh tế của cả nước, tạo nền tảng để sau năm 2025, TP.HCM có sự tăng trưởng cao, GRDP ở hai con số. Thành phố thực hiện Nghị quyết 98 không chỉ bằng nguồn nhân lực của hệ thống chính trị, tài lực của ngân sách mà cần phải có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp. Thành phố đang mở ra các cơ chế để doanh nghiệp phát triển, hướng đến xây dựng những doanh nghiệp dẫn đầu cả nước.

Trong quá trình thực hiện đó, Thành phố đề nghị các cơ quan Trung ương tiếp tục đồng hành cùng Thành phố, xem việc thực hiện Nghị quyết 98 là việc chung của quốc gia, góp phần tạo năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

"Sự vào cuộc hành động của hệ thống chính trị là yếu tố quyết định thành công của Nghị quyết 98, trong đó phải thống nhất từ tư tưởng, chuyên môn đến hành động, thực hành chuyên nghiệp, giải quyết đồng bộ, xác định nhiệm vụ cụ thể, có sự phân công trách nhiệm, có khen thưởng, xử lý sai phạm rõ ràng", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu ý kiến.

Nghị quyết 98: Lực đẩy mới cho tăng trưởng của TP.HCM
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, mục tiêu của Nghị quyết 98 chính là đưa TP.HCM trở lại quỹ đạo phát triển với tư cách là đầu tàu kinh tế của cả nước. Ảnh: TTBC.

Phân tích khái niệm “lực đẩy”, ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, qua một tháng rưỡi quán triệt thực hiện Nghị quyết 98, có thể nhìn nhận rõ 3 lực đẩy mà Nghị quyết này mang lại. Thứ nhất, Nghị quyết 98 giúp TP.HCM làm tốt hơn những nhóm công việc mà trước đây đã làm tốt như chương trình kích cầu, mở ra các cơ chế cho các dự án kích cầu trước đây bị vướng các chính sách khi thực hiện.

Thứ hai, Nghị quyết 98 giúp TP.HCM thực hiện những nhóm việc đã có trong tính toán nhưng chưa có cơ chế thực hiện như thực hiện đầu tư bằng phương thức PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; phát triển thành phố Thủ Đức thành trung tâm đổi mới sáng tạo, tương tác cao… Thứ ba, Nghị quyết 98 đã mở ra cho TP.HCM nhiều ý tưởng phát triển mới mà trước đây chưa nghĩ tới. Trước đây, ít ai nghĩ đến việc thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ, giao dịch tín chỉ carbon với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế nhằm tạo nguồn thu ngân sách.

Nghị quyết 98: Lực đẩy mới cho tăng trưởng của TP.HCM
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: TTBC

Tuy nhiên, ông Trương Minh Huy Vũ cho rằng, chỉ Nghị quyết 98 là chưa đủ, để TP.HCM triển khai thực hiện loạt đường sắt đô thị trong vòng 20 năm nữa cần một cơ chế tài chính rất lớn. Vì thế song song với Nghị quyết 98, TP.HCM cần nhanh chóng khởi động đề án Trung tâm tài chính quốc tế để tạo nguồn lực mạnh mẽ hơn nữa.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT, một số nội dung nổi bật mà TP.HCM đã thông qua. Đó là việc cơ cấu nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài theo phương thức đối tác công tư. Đây là tuyến đường huyết mạch, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của T.PHCM, nhưng qua nhiều năm chưa có đủ nguồn lực thực hiện.

Một nội dung nổi bật nữa được thông qua đó là Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí thực hiện chương trình dự kiến là 15.144 tỷ đồng; bố trí 2.796 tỷ đồng vốn hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn TP.HCM. Đây cũng là việc rất có ý nghĩa, đặc biệt là khi TP.HCM đã trải qua thời gian ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Nghị quyết 98: Lực đẩy mới cho tăng trưởng của TP.HCM
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM Bùi Hòa An đánh giá, Nghị quyết 98 tạo động lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của Thành phố. Ảnh: TTBC

Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM Bùi Hòa An, Nghị quyết 98 đã tạo động lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của Thành phố, trong bối cảnh công tác đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của Thành phố chưa đạt như kỳ vọng. Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tham mưu báo cáo UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM thông qua danh mục dự án áp dụng loại hợp đồng BOT trên đường hiện hữu.