Người dân TP.HCM "chật vật" đi đổ xăng
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khu vực phía Nam gửi đơn "cầu cứu" Thủ tướng |
Bình Dương: Chưa phát hiện cây xăng “găm hàng” chờ tăng giá |
Đảm bảo ổn định nguồn cung xăng dầu trên địa bàn TP.HCM |
Phóng viên Báo Lao động Thủ đô thực hiện chùm ảnh phản ánh tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng dầu trên địa bàn TP.HCM trong ngày 9/10.
Ngày 9/10, nhiều cây xăng trên địa bàn TP.HCM treo biển hết xăng, nhiều người dân buộc phải đi xa hơn tìm cây xăng khác để đổ, nhưng cũng gặp tình trạng “hết hàng”. |
Tại một cây xăng lớn trên đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp), cây xăng thông báo ngưng phục vụ vào cuối buổi sáng mà không có bất kỳ biển báo nào. Bình thường, cây xăng này tấp nập khách ra vào vì nằm ngay đoạn giao nhau giữa đường Nguyễn Oanh và Phan Văn Trị. |
Trạm xăng dầu Comeco trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp) là một trong những điểm bán xăng đông đúc người ra vào tại khu vực này. Trưa 9/10, nhân viên trạm xăng bất ngờ đưa 2 tay lên cao thông báo hết hàng, tạm ngưng phục vụ khi nhiều khách vào mua xăng. Nhiều người ngơ ngác và thất vọng rời đi. Đến giữa giờ chiều, trạm xăng này vẫn thông báo chưa có xăng. Khi phóng viên hỏi khi nào có hàng bán lại thì nhân viên trả lời: "Không biết, vẫn đang chờ". |
Trên tuyến đường Quang Trung (quận Gò Vấp), cây xăng của Công ty xăng dầu quân đội Khu vực 4 là nơi hiếm hoi vẫn còn bán xăng. Tuy nhiên, cây xăng chỉ có một nhân viên bán xăng và trong 4 trụ bơm xăng thì 2 trụ không hoạt động. Vì là nơi hiếm hoi còn xăng, nên người dân đã xếp hàng rất đông để chờ đổ xăng, có người chờ hơn 30 phút nhưng vẫn chưa đến lượt. |
Anh Phạm Quang Nhật (33 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết, từ sáng đến đầu giờ chiều, anh đã chạy qua khoảng 15 trạm xăng nhưng nơi nào cũng báo hết xăng. "Tôi chạy đi chở hàng nhưng bây giờ kiếm không ra cây xăng, may mà kiếm được cây xăng này trên đường Quang Trung, nhưng chờ 30 phút rồi vẫn chưa tới lượt mình, bây giờ xe cũng gần hết xăng nên tôi không dám chạy đi kiếm cây xăng khác", anh Nhật cho biết. |
Vì chỉ còn một nhân viên bán xăng, trạm xăng này đã gửi một thông điệp với khách hàng: "Mấy hôm nay em phục vụ mệt lắm rồi, em sẽ phục vụ từng người, đừng nói nặng lời, em xin nghỉ việc trạm xăng không có người bán hàng phục vụ anh chị đâu". |
36 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị Thủ tướng Trước đó, ngày 7/10, 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL đã gửi kiến nghị đến Chính phủ, phản ánh tình hình kinh doanh xăng dầu thời gian qua và đề xuất các giải pháp. Trong đơn kiến nghị, các doanh nghiệp cho rằng việc điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính thời gian qua có vấn đề, kéo theo những bất ổn thị trường kinh doanh xăng dầu. Theo Nghị định 95 của Chính phủ, doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố. Tuy nhiên, thực tế trong quản lý, liên Bộ nói trên đã để xảy ra tình trạng chiết khấu âm, để các doanh nghiệp phân phối tìm cách "lách" quy định để bán ra cho doanh nghiệp bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hóa đơn khác theo bảng kê của các hóa đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng 0 đồng. Với cách này, khi cộng phí vận chuyển, doanh nghiệp bán lẻ phải mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định. Các doanh nghiệp đề nghị khi kinh doanh xăng dầu chưa theo quy luật thị trường một cách hoàn toàn, cần áp dụng chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ, tránh tình trạng "thả nổi" chiết khấu. Việc không quy định rõ ràng doanh nghiệp bán lẻ được hưởng bao nhiêu trong chi phí kinh doanh định mức dẫn đến phía đầu mối tự do điều chỉnh mức chiết khấu và là nguyên nhân chính dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ luôn chịu thua thiệt, âm vốn. Trước mắt có thể áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ theo tỷ lệ không nhỏ hơn 6 - 7% trên giá bán mỗi lít xăng dầu. |
Bình luận