Người kiến tạo “thiên đường hoa” trên mảnh đất phù sa
Người trải hoa bên bờ sông Hồng
Tốt nghiệp Đại học Văn hoá Hà Nội, từng có công việc ổn định nơi phố thị, nhưng chị Đặng Thị Thúy vẫn quyết định “bỏ phố về quê” để làm kinh tế trên mảnh đất của gia đình. Chị từng mơ ước sẽ “trải thảm hoa” lên mảnh đất phù sa màu mỡ ven bờ sông Hồng nơi quê hương chị.
Từ năm 2019, chị rời trung tâm Thủ đô, về thôn Trung Quan, xã Văn Đức, gắn bó với nghề trồng hoa cây cảnh. Nhìn khu vườn rộng bát ngát trồng đủ loại hoa, từ hồng cổ, hồng ngoại, hoa giấy ta, giấy thái, các loại cây công trình, hoa thảm, hoa chậu... nhiều người không khỏi ao ước.
Từ một cô gái mảnh mai, trắng trẻo, xinh xắn, chị Thúy đã phải học cách làm nông nghiệp và trở thành “nông dân chính hiệu”. Và thế là, chị bắt tay vào việc kiến tạo nên "Vườn hoa Mộc Thúy". Thời gian đầu khởi nghiệp, vì yêu hoa hồng nên chị mua hoa hồng về trồng nhưng do chưa có kinh nghiệm, hoa dần bị bệnh, chết. Đó là những món “học phí” đắt giá đầu đời của chị khi về quê khởi nghiệp.
Chị Đặng Thị Thúy đã trở thành "nông dân chính hiệu" |
Sau đó, chị suy tính, tìm hiểu một cách nghiêm túc về trồng hoa, thử nghiệm trồng hoa giấy, các loại cây công trình ít phải chăm sóc hơn. Sau nhiều tháng ăn, ngủ, khóc cùng hoa, chị cũng có thêm chút kinh nghiệm để phát triển vườn hoa nhà mình. Sau này, chị đã quay lại trồng hoa hồng - loài hoa mà chị yêu thích nhưng gặp thất bại ngay từ lần đầu tiên.
Kiên trì vượt qua giai đoạn “làm ra sản phẩm”, chị bắt đầu phải vượt qua tấm rào chắn thứ hai cam go hơn trong quá trình khởi nghiệp, đó là “đầu ra”. Bố mẹ chị tuy làm vườn đã lâu nhưng vẫn bán hàng theo cách truyền thống, trong khi bây giờ người ta bán hàng công nghệ, bán hàng online là chính. Vì vậy, chị tìm cách mở rộng kênh bán sản phẩm trên website, mạng xã hội. Những thành quả đẹp lung linh từ Vườn hoa Mộc Thúy được đăng trên mạng khiến nhiều người yêu hoa, cây cảnh ghé thăm, những đơn hàng từ nhỏ đến lớn lần lượt đến với chị khiến chị mừng rơi nước mắt.
Gần 5 năm trôi qua, khó khăn vất vả của nghề làm vườn, những dãi nắng dầm mưa chị Thúy đã nếm trải đủ cả. Con đường đi tới thành công đâu phải trải đầy hoa như khu vườn nhà chị nhưng đã mang đến cho những người nông dân quanh đây công ăn việc làm, có thu nhập ổn định.
Vườn nhà chị lúc nào cũng có 4 đến 5 lao động làm việc thường xuyên và trên 10 lao động làm việc bán thời gian hoặc làm thời vụ. Những người làm công gắn bó với mảnh vườn nhiều năm cũng trở nên thân thiết như gia đình, điều đó càng khiến chị có thêm động lực để vượt khó, mở rộng diện tích đất trồng hoa.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trên cả nước, chị Thúy đã thay đổi nhiều loại cây trồng để phục vụ khách hàng |
Thời điểm ban đầu, diện tích chỉ có 2ha, chỉ một người làm chăm sóc, tưới tiêu là đủ. Sau khi xã, huyện có chủ trương dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, quy hoạch đất trên diện rộng thì diện tích vườn của chị được mở rộng tới gần 14ha. Các loại hoa cây cảnh cũng đa dạng hơn so với thời kỳ đầu chỉ trồng hoa hồng, hoa giấy.
Làm nông nghiệp bằng công nghệ
Thuộc thế hệ trẻ khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương, chị Đặng Thị Thúy là một trong những nông dân có cách làm nông nghiệp tiên tiến theo định hướng của huyện Gia Lâm cũng như của thành phố Hà Nội. Chị đầu tư khoan giếng lắp đặt máy bơm tại chỗ, lắp đặt hệ thống tưới nước đường ống tự động, các công đoạn chăm sóc vận chuyển hoa cây cảnh được cơ giới hóa bằng máy móc hiện đại. Chị cũng đầu tư thêm các phương tiện vận chuyển, đặc biệt là xa tải 2,5 tấn để vận chuyển hoa, cây cảnh đến các tỉnh xa như Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Cao Bằng,… và gần hơn là Hòa Bình, Bắc Giang.
Chị Thúy vui mừng cho biết, sau những chật vật khó khăn của những “năm Covid”, đến nay vườn đã được nhiều khách hàng từ các tỉnh miền Trung và miền Nam biết đến nhiều hơn. Trung bình mỗi ngày vườn tiêu thụ số lượng hoa cây cảnh từ 20-30 triệu đồng, có những ngày nhận đơn lớn vài trăm triệu đồng.
Những cây hoa lớn phải dùng cần cẩu và xe tải để vận chuyển |
Nói về điều này, chị Thúy chia sẻ: “Đông đảo khách hàng biết đến nhà vườn bởi những hình ảnh đẹp mình chia sẻ trên mạng xã hội. Để nắm bắt xu hướng kinh doanh công nghệ số, mình không chỉ sử dụng thành thạo thiết bị thông minh, các phần mềm ứng dụng, các hiệu ứng hình ảnh, âm thanh bắt mắt, mình còn thành thạo nền tảng thương mại điện tử, kết nối các đơn vị vận chuyển, shipper…”
Chắc hẳn nhiều người vẫn quen với hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn, nhưng ngày hôm nay, người nông dân cũng đã có thêm một hình ảnh khác, đó là “nông dân số” với các mô hình kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp kiểu mới. Chị Thúy đã tự mình chuyển đổi để thích ứng và tiếp tục tiếp cận các hình thức bán hàng thông minh hơn trên nền tảng số.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trên cả nước, chị Thúy đã thay đổi nhiều loại cây trồng để phục vụ khách hàng tất cả mọi miền tổ quốc. Mùa hè nắng nóng thì có những loại hoa giấy, tuyết sơn, nguyệt quế chịu được nhiệt độ cao, còn mùa đông thì hoa hồng và các loại hoa phục vụ ngày Tết. Còn cây giống thì chị luôn cập nhật những cây khỏe, bền và đẹp để dễ chăm sóc. Vườn hoa cũng kết hợp trồng xen canh các cây với nhau, để đến mùa nào cũng có cây để bán.
Vườn đã tạo việc làm cho nhiều lao động |
Với lợi thế nằm ven sông Hồng và sông Đuống, nhiều xã trên địa bàn huyện Gia Lâm đã tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó, khai thác hiệu quả đất nông nghiệp vùng bãi, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Những xã có đất bãi ven sông Hồng, sông Đuống, có tốc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh là Kim Sơn, Phù Đổng, Trung Mầu, Văn Đức...
Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch vùng, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới, theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp sinh thái hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với truy xuất nguồn gốc đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở Gia Lâm theo hướng hàng hóa bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Với việc phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chị Đặng Thị Thúy đã đóng góp tích cực vào việc đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của huyện Gia Lâm. Đồng thời, chị mong muốn mô hình ngày càng phát triển để giúp người lao động có việc làm thường xuyên, đóng góp vào nền kinh tế chung của địa phương.
Bảo Thoa
Bình luận