Tích cực triển khai phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi Giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp Người dân địa phương được tập huấn kỹ năng làm du lịch

Anh Nguyễn Văn Lợi sinh năm 1971. Năm 1999, khi mới lập gia đình vợ chồng anh gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Gia đình thuần nông canh tác trên mấy sào ruộng, nuôi thêm con gà, con lợn, nhưng cũng không đủ trang trải cuộc sống tối thiểu ở vùng quê. Ngoài mùa vụ, anh còn tranh thủ đi làm lao động tự do để kiếm thêm thu nhập.

Anh Lợi trộm nghĩ, nếu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và mấy vật nuôi thì cuộc sống không biết bao giờ mới khá lên được. Vốn là người chịu thương chịu khó, lại năng động nên anh không chấp nhận làm chỉ đủ ăn. Anh quyết tâm phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Người nông dân đi lên từ mô hình nông nghiệp “kép”
Anh Lợi phát triển mô hình trồng cây hoa đào.

Xã Tân Lập nơi anh ở là địa phương có lợi thế về giao thương buôn bán. Qua tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, anh Lợi nhận thấy ngành sản xuất gỗ công nghiệp có xu hướng phát triển. Năm 2003, anh Lợi bắt đầu khởi nghiệp gia công sản phẩm và kinh doanh gỗ. Thời gian đầu, vốn còn eo hẹp, để tiết kiệm chi phí, hai vợ chồng anh cùng người thân trong gia đình tự làm tất cả các khâu từ gia công, bán hàng tới vận chuyển.

Sau 5 năm kiên trì sản xuất và kinh doanh, xưởng gỗ của gia đình anh đã được nhiều người biết đến. Ban đầu là người dân trong xã, rồi các xã lân cận, đến người dân trong huyện biết đến. Làm ra sản phẩm tốt, có uy tín, mô hình sản xuất kinh doanh gỗ của gia đình anh Lợi dần đứng vững trên thị trường và ngày càng có nhiều khách hàng, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

“Nhờ mạnh dạn làm kinh tế, vợ chồng tôi đã có điều kiện tốt hơn để nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống và nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ”, anh Lợi tự hào chia sẻ.

Người nông dân đi lên từ mô hình nông nghiệp “kép”
Mô hình sản xuất và kinh doanh gỗ của gia đình anh Lợi.

Không dừng lại ở mô hình nhỏ lẻ, anh Lợi mạnh dạn mở rộng mô hình, thành lập Công ty và trực tiếp điều hành sản xuất kinh doanh. Hiện công ty của anh đã có doanh thu mỗi năm vài tỷ đồng, thường xuyên tạo việc làm ổn định cho 5 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/người/tháng.

Không dừng lại ở đó, anh Lợi còn nghiên cứu mô hình nông nghiệp trồng đào để tăng thêm thu nhập. Từ một “ông chủ” xưởng gỗ, anh Lợi tự mày mò, học hỏi, nghiên cứu kỹ các mô hình trồng cây hoa đào từ những người đi trước. Anh mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như dùng chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học, sử dụng màng phủ nông nghiệp vừa giữ ẩm cho đất, vừa có tác dụng diệt cỏ.

Nhìn vườn đào mỗi ngày lớn lên xanh tốt, Tết đến ra hoa nở rộ, bà con không khỏi cảm phục và mến mộ sức lao động bền bỉ và vươn lên làm giàu của anh Lợi.

Qua thực hiện 2 mô hình kinh tế, anh Lợi đã góp phần làm tăng giá trị sản phẩm của địa phương giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Người nông dân đi lên từ mô hình nông nghiệp “kép”
Anh Lợi tham gia hiến máu tình nguyện.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Lợi còn luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào thi đua và các cuộc vận động do các cấp Hội Nông dân và địa phương phát động. Anh cũng rất tích cực vận động hội viên nông dân và nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện. Bản thân anh đã 6 lần tham gia hiến máu tình nguyện.

Với những đóng góp tại địa phương, anh Lợi được nhân dân trong cụm tín nhiệm bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân xã Tân Lập nhiệm kỳ 2016 - 2021 và nhiệm kỳ 2021 - 2026. Năm 2022, anh Lợi được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân cụm 4, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Tân Lập nhiệm kỳ 2022 - 2027. Cá nhân anh có 3 lần được Ủy ban nhân dân huyện và Uỷ ban nhân dân xã tặng giấy khen; hàng năm hộ gia đình anh được công nhận “Hộ sản xuất kinh doanh giỏi”.

Bảo Thoa