Nhận diện xu hướng thị trường EU trong bối cảnh mới
Việt Nam 2 năm thực thi EVFTA: Từ góc nhìn doanh nghiệp Hơn 80 doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ SIAL Paris 2022 Tìm cơ hội xuất khẩu nông sản sang Bắc Âu |
Cơ hội từ xu hướng tiêu dùng
Phân tích của chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Hội thảo “Đánh giá hai năm thực thi Hiệp định EVFTA tại Việt Nam từ góc nhìn doanh nghiệp” cho thấy, trong thời gian gần đây, hậu dịch Covid-19, người dân EU có 2 xu hướng tiêu dùng: Một số muốn bù đắp thời gian giãn cách do dịch bệnh sẽ mua sắm nhiều hơn (tiêu dùng trả thù). Số khác tiêu dùng một cách thận trọng và quan tâm nhiều hơn tới yếu tố môi trường và trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng thứ hai nhiều khả năng xảy ra hơn bởi công việc của người dân EU bị ảnh hưởng, thu nhập kém đi, tiêu dùng thận trọng là điều tất yếu.
Ngoài ra, ngành dệt may vẫn bị đánh giá ảnh hưởng không tích cực tới môi trường; theo đó thời trang nhanh, thời trang giá rẻ không chú trọng môi trường đang bị người tiêu dùng đánh giá thấp hơn, thậm chí hạn chế mua những sản phẩm như vậy.
Thống kê cho thấy 77% người tiêu dùng EU quan tâm đến điều kiện môi trường, 72% chú trọng đến các dịch vụ liên quan sản phẩm và 51% chú ý đến chất lượng. Ngoài ra, trong bối cảnh nhu cầu thay đổi sản phẩm thời trang cao và xu hướng cá nhân hóa sản phẩm, việc liên tục thay đổi kiểu dáng và mẫu mã sản phẩm trở nên cần thiết. Phương thức sản xuất đại trà dần giảm về quy mô mỗi lô hàng để tránh tồn kho cao.
Nhà sản xuất dệt may cần nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất để bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới. (Ảnh minh họa: Phạm Diệp) |
Hiện nay, một số người tiêu dùng đã có thể thiết kế riêng sản phẩm dệt may theo phong cách cá nhân (màu sắc, họa tiết, chất liệu, kích cỡ); thiết kế, mẫu mã và đặt hàng trực tiếp từ nhà sản xuất. Nhà sản xuất dệt may cần nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất để bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới.
Thay vì chờ đợi những đơn hàng lớn, doanh nghiệp cần chú trọng sản xuất đơn hàng nhỏ có tính khác biệt, thời gian giao hàng nhanh. Đồng thời, linh hoạt trong sản xuất và quản lý để đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Châu Âu cũng ngày càng quan tâm đến vấn đề thời trang bền vững (giảm thiểu các tác động đến môi trường và sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, ít sử dụng hóa chất.
Ngoài ra, một số xu hướng tiêu dùng theo mặt hàng. Ví dụ như nhu cầu tiêu dùng ga trải giường sợi tự nhiên tại EU tăng. Người tiêu dùng và các nhà thiết kế châu Âu ngày càng nỗ lực để tránh tác động tiêu cực đến môi trường do tiêu dùng và sản xuất.
Nhu cầu đối với các loại quần áo bảo hộ lao động tại EU tăng (1 phần Covid-19), đạt khoảng 3 tỷ EUR, trong đó 85% là sản phẩm dành cho nam giới (có tiềm năng tăng trưởng cao trung bình đạt 7,5% mỗi năm, cao hơn cả tốc độ tăng trưởng hàng may mặc nói chung. Các nhà nhập khẩu nội địa lớn nhất bao gồm Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ và Italia. Hiện tại, 55% quần áo bảo hộ lao động nhập khẩu của EU có nguồn gốc từ các thị trường ngoại khối EU và 45% xuất xứ từ các thị trường nội khối.
Nhu cầu tiêu thụ các loại quần áo thể thao tăng nhanh (khoảng 7% năm), từ năm 2019 đến năm 2026. Phân loại quần legging cho thấy tiềm năng lớn nhất với mức tăng trưởng dự kiến là 8%/năm trong giai đoạn này. Chiến sự Nga - Ucraina, giá năng lượng tăng, thu nhập giảm, mùa đông sắp tới: cần nhiều hàng giá rẻ, đồ ấm mùa đông tăng.
Bên cạnh những xu hướng trên, ông Lê Xuân Sang cho biết, thị trường EU đang mở ra những cơ hội mới đối với một số mặt hàng như viên nén gỗ, phân bón. Đối với viên nén gỗ, EU là thị trường tiêu thụ viên nén gỗ lớn nhất thế giới, chiếm 75% nhu cầu viên gỗ toàn cầu, đạt 23,1 triệu tấn vào năm 2021. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 24,3 triệu tấn năm nay.
Giá viên nén gỗ xuất khẩu của Việt Nam được dự báo cao hơn mức 180 - 200 USD/tấn. Vào tháng 3, chính phủ Nga ra lệnh cấm xuất khẩu một số sản phẩm gỗ, trong đó viên nén gỗ đến các “quốc gia không thân thiện”. Hiện nay, xuất khẩu viên nén gỗ sang châu Âu vẫn ít, chỉ chiếm 0 - 1% tổng kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam.
Cơ hội từ xuất khẩu phân bón sang EU được vị chuyên gia phân tích: Nga bị cấm xuất khẩu phân bón, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu, các công ty sản xuất phân bón lớn ở Na Uy, Đức, Ba Lan, Litva, Pháp, Anh và Hungary đã đồng loạt thông báo cắt giảm sản lượng hoặc đóng cửa nhà máy. Các nhà máy toàn khu vực EU đang hoạt động với 20% năng lực sản xuất của mình. EU chiếm 5% sản lượng phân urê toàn cầu. Cùng với đó là giá phân bón, nhất là đạm tăng rất mạnh tuy đã giảm gần đây.
Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt rõ thông tin về thị trường
Khuyến nghị với doanh nghiệp trong tận dụng EVFTA, tiến sĩ Lê Xuân Sang cho rằng, thực hiện FTA thế hệ mới đòi hỏi doanh nhân thế hệ mới. Thời mới, FTA thế hệ mới đòi hỏi doanh nhân mới phải có “Tri thức toàn cầu, hiểu biết địa phương/nước sở tại”. Doanh nghiệp cần có tư duy nỗ lực tự “thoát ra”, tránh sa vào hiệu ứng “ếch bị luộc chín”. Doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm,… để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục các thị trường.
Tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU hai năm đầu thực thi EVFTA (8/2020-7/2022) đạt 83,4 tỷ USD, tức trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn tới 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019 trước đó. Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022. |
Đặc biệt, cần chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng và chuẩn bị các biện pháp đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương, nâng cao năng lực.
Các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, hướng dẫn về lĩnh vực phòng vệ thương mại để có ứng phó phù hợp trong trường hợp bị các nước thành viên của Hiệp định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc, đồng thời xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu sang EU bền vững.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chiến tranh Nga - Ucraina và khủng hoảng năng lượng, lương thực, doanh nghiệp Việt có thể chủ động tìm hiểu, tham gia M &A (giành quyền kiểm soát một doanh nghiệp thông qua việc mua bán và sáp nhập) các doanh nghiệp EU và Nga tại 2 thị trường này. Rà soát, liên kết tạo lập kênh, thị trường mới, chiếm lĩnh thị phần, mặt hàng, sản phẩm thị trường do doanh nghiệp Nga và EU để lại; xâm nhập thông qua kênh EAFTA. Chủ động tham gia vào kênh vận tải đường sắt qua Trung Quốc, châu Á, Nga, EU để giảm thiểu chi phí vận tải và giảm nhẹ bất trắc theo đường biển.
Bảo Thoa
Bình luận