Tận dụng EVFTA: Không thể bỏ qua yếu tố tâm lý tiêu dùng
Doanh nghiệp hướng đến mục tiêu xuất khẩu bền vững Trái bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre chính thức xuất khẩu sang Hoa Kỳ Doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng “cao tốc EVFTA” |
Trong thời gian vừa qua, nhất là 2 năm Covid-19, các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị công nghệ cũng như sản phẩm công nghệ, máy móc, thiết bị của Việt Nam cũng có những lúc lắng xuống. Nhưng giai đoạn sau Covid-19, một số doanh nghiệp đã chuẩn bị cho sự đầu tư, kể cả đầu tư FDI cũng như đầu tư trong nước. Tận dụng lợi thế về thuế của EVFTA, nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ Hiệp định này.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Tận dụng lợi ích từ nhập khẩu, đầu tư của EU trong EVFTA”, ông Đinh Văn Hiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn DKNEC cho biết, với vai trò là doanh nghiệp thường xuyên nhập khẩu những thiết bị từ châu Âu, DKNEC đã làm việc khá nhiều với các hãng nổi tiếng của Đức và một số quốc gia khác như Ý, Đan Mạch, Đức,… Trước khi có EVFTA thuế nhập khẩu có mức cao, khi có EVFTA thì các mức thuế này giảm từ 1,2-10%.
Theo ông Đinh Văn Hiến, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, ở khu vực doanh nghiệp, EVFTA tạo cơ hội cho doanh nghiệp hòa nhập với cộng đồng thế giới và du nhập được công nghệ tiến bộ, phát huy được giá trị sản phẩm trong nước để vừa nhập khẩu vừa xuất khẩu.
Doanh nghiệp thường xuyên nhập khẩu những thiết bị tử châu Âu đã tận dụng lợi thế về thuế từ EVFTA. (Ảnh minh họa: Thanh Hà) |
Vì vậy, doanh nghiệp đang chuẩn bị hành lang, môi trường để vừa liên kết, hợp tác, chia sẻ. DKNEC có 2-3 đối tác ở châu Âu và đang có những khâu chuẩn bị để chế tạo những sản phẩm có thể xuất ngược sang các quốc gia khác, nhất là khi có linh kiện đầu vào giá rẻ.
“EVFTA là điều kiện tuyệt vời khi doanh nghiệp của chúng ta biết đón đầu và nghiên cứu kỹ để chuẩn bị hành trang bước vào cuộc chơi lớn. Để phát triển đồng hành với kinh tế vĩ mô, lãnh đạo Nhà nước cần có những chính sách tốt hơn phù hợp với điều kiện của Hiệp định, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp phát triển kinh tế trong nước và xuất khẩu, kể cả xuất khẩu những sản phẩm chưa từng nghĩ tới. Tôi cho rằng trong 5 năm tiếp theo Việt Nam sẽ có cơ hội tốt để xuất khẩu được nhiều sản phẩm ra nước ngoài kể cả sản phẩm công nghệ cao”, địa diện DKNEC nhận định.
Chia sẻ về các cơ hội hợp tác với doanh nghiệp EU, ông Nguyễn Anh Dương - Phó trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô - CIEM phân tích, có 3 xu hướng nổi bật nhất của đầu tư EU trong những năm gần đây.
Thứ nhất là EU đang đa dạng hóa địa điểm đầu tư do các nguyên nhân liên quan đến xung đột chính trị, những rủi ro liên quan đến môi trường, khí hậu và các rủi ro liên quan đến nhân quyền. Việc phụ thuộc quá mức vào một địa điểm đầu tư nào đó có thể ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư của EU nói chung cũng như các định hướng lớn của EU. Vì vậy, từ phía EU ngay từ cấp Chính phủ lẫn doanh nghiệp cũng đều có xu hướng để thúc đẩy đa dạng hóa địa điểm đầu tư. Vì vậy việc chuyển hướng đầu tư của các nước EU sang Đông Nam Á trong đó có Việt Nam là một xu hướng lớn.
Thứ hai, EU cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của EVFTA có với Việt Nam và một số đối tác khác. Điều đó cho thấy EU đang nhìn nhận các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà các đối tác khác không có trực tiếp với EU như Việt Nam. Điều đó cho Việt Nam lợi thế về địa điểm thị trường mới trên mạng lưới của các FTA.
Thứ ba là xu hướng đầu tư gắn với phát triển bền vững. EU không quá coi trọng câu chuyện giá rẻ hay công nghệ thấp, mà họ nhìn nhận hơn câu chuyện đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Và đó là câu chuyện gắn với ý thức, gắn với phát triển bền vững, tiêu dùng và sản xuất bền vững. Thể hiện rõ nhất là câu chuyện thỏa thuận xanh của EU hay là Thuế điều chỉnh biên giới các bon.
“Các yếu tố trên có thể ảnh hưởng đến cuộc chơi thu hút đầu tư vốn nước ngoài để chúng ta một mặt tìm được phương án sản xuất các mặt hàng xuất khẩu sang EU gắn với việc không phát thải nhiều. Nhưng mặt khác, cả Việt Nam và EU đều không muốn các nhà đầu tư ở các nước khác chạy sang Việt Nam chỉ vì xuất khẩu từ Việt Nam vào EU dễ hơn”, ông Nguyễn Anh Dương nói.
Đằng sau những lợi thế và cơ hội, các chuyên gia cũng khẳng định rằng, Việt Nam còn nhiều khó khăn và thách thức khi tham gia vào thị trường EU.
Ông Đỗ Hữu Hưng - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay các nước EU đang tập trung phát triển và quan tâm đến các vấn đề mới như: Kinh tế bền vững, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng,… Đây là những lĩnh vực mà các nước EU ưu tiên và có thế mạnh, cũng phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam.
Việt Nam cũng tận dụng tương đối tốt những lợi thế của EVFTA, tuy nhiên vẫn còn những doanh nghiệp, những hàng hóa của Việt Nam chưa đạt được những tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường, xã hội trong chính sách của EU.
Phải khẳng định rằng, EU là thị trường rất khó tính, kỹ tính, và có những tiêu chuẩn rất cao. Khi EVFTA có hiệu lực, phía EU đã công bố 74 Dự thảo và 173 Quy định liên quan đến mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện EU quan tâm đến vấn đề môi trường và đang luật hóa các vấn đề về môi trường trong thương mại. Mới đây Ủy ban Liên minh châu Âu đã công bố cơ chế điều chỉnh các bon biên giới, cũng như luật liên quan đến chống phá rừng. Những điều này được đánh giá có ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Hay có thể nói đây là những thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên bên cạnh đó, nếu Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn này, sẽ tạo ra được lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam.
“Tôi từng công tác tại Thương vụ Việt Nam tại Pháp, thấy xu hướng tiêu dùng tại Pháp đang quan tâm đến các sản phẩm xanh, sản phẩm bảo vệ môi trường, sản phẩm hữu cơ. Trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp của Việt Nam, thì để tìm ra được doanh nghiệp đảm bảo những quy chuẩn về hữu cơ rất khó.
Các doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn đầu tư của EU, tận dụng nguồn máy móc, nguyên liệu và công nghệ từ EU để từ đó chúng ta thay đổi được phương thức sản xuất, tạo ra được hàng hóa chất lượng tốt hơn, bảo vệ môi trường và phù hợp với xu hướng tiêu dùng. Nếu chúng ta định hướng xuất khẩu, thì chúng ta phải sản xuất sản phẩm họ cần chứ không phải chỉ tập trung vào sản phẩm chúng ta có và tập trung quảng bá xúc tiến thương mại”, ông Đỗ Hữu Hưng nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trong cuộc chơi với các đối tác lớn mạnh tại châu Âu, ý thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất quan trọng. Bởi vậy, để vượt qua những khó khăn, thách thức, hòa nhập vào thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần có những bước chuyển mình mãnh liệt hơn.
Bảo Thoa
Bình luận