Nhân rộng cách làm sáng tạo trong tổ chức phiên giao dịch việc làm
Đa dạng các vị trí tuyển dụng
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, đặc biệt là tích cực tổ chức hàng loạt các phiên giao dịch việc làm, thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả cao trong việc kết nối cung cầu lao động, thúc đẩy giải quyết việc làm cho người lao động.
Người lao động tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Ngày hội giao dịch việc làm quận Tây Hồ năm 2023 (Ảnh: N.Hoa) |
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, phiên giao dịch việc làm thường niên được tổ chức tại Trụ sở chính của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, năm 2022, thành phố tổ chức khoảng 260 phiên, 6 tháng đầu năm 2023 tổ chức khoảng 124 phiên, ngoài phiên thường niên có các phiên lưu động tại các quận, huyện, thị xã (tính đến đầu tháng 7/2023, có 8 phiên lưu động đã được tổ chức).
Tại các phiên giao dịch việc làm, người lao động có cơ hội kết nối với các đơn vị tuyển dụng, tìm được công việc phù hợp với bản thân. Chỉ tiêu tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm ngày càng tăng là minh chứng rõ rệt cho thấy chất lượng, hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm đang được tăng lên.
Mới đây nhất, Ngày hội giao dịch việc làm, tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề, tư vấn khởi nghiệp cho thanh niên, học sinh, sinh viên quận Tây Hồ tổ chức đầu tháng 7 với sự tham gia của 36 doanh nghiệp; tuyển dụng, tuyển sinh khoảng 2.500 chỉ tiêu. Trong tổng số 36 doanh nghiệp tham gia, có 16/36 doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, chiếm 44%. Ngoài ra còn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác như: Sản xuất, xuất khẩu lao động, giáo dục - đào tạo, vận tải,...
Mức thu nhập được các nhà tuyển dụng đưa ra khá phong phú, bao gồm 358 chỉ tiêu có mức thu nhập cao từ 15 triệu trở lên; 485 chỉ tiêu có mức thu nhập từ 10 - 15 triệu; 802 chỉ tiêu có mức thu nhập từ 7 - 10 triệu; 385 chỉ tiêu có mức thu nhập 5 - 7 triệu.
Bày tỏ niềm hứng khởi khi đã tìm được nhà tuyển dụng, vị trí công việc phù hợp cho bản thân, anh Nguyễn Văn Linh chia sẻ: “Tại Ngày hội tôi đã tìm được nhiều việc phù hợp với trình độ và kỹ năng của mình. Ngày hội là cầu nối hữu ích giữa doanh nghiệp và người lao động, qua Ngày hội người lao động biết được thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp. Tôi hi vọng Ngày hội giao dịch việc làm sẽ được tổ chức ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô và được truyền thông để người dân trên địa bàn được biết và tham gia”.
Tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp với người lao động
Để đảm bảo được các mục tiêu đề ra (giải quyết việc làm cho 162.000 lao động, tỉ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành của Thành phố, cơ quan ban ngành địa phương, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động; tăng cường kết nối cung cầu, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Sàn giao dịch việc làm Thành phố.
Thông qua các phiên giao dịch việc làm, nhiều người lao động đã tìm được công việc phù hợp với năng lực, sức khoẻ... của bản thân (Ảnh: N.Hoa) |
Đồng thời tích cực hỗ trợ, duy trì việc làm ổn định cho người lao động và thực hiện tốt phúc lợi xã hội; xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu về thị trường lao động để tăng cường hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp. Các giải pháp đề ra đã đem lại kết quả tích cực trong điều kiện tình hình thị trường lao động còn gặp nhiều khó khăn. 6 tháng đầu năm 2023, toàn Thành phố đã giải quyết việc làm cho 113.418 lao động, đạt 70% so với kế hoạch năm 2023.
Đánh giá về hiệu quả của các phiên giao dịch việc làm, ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội cho biết: Các đối tượng tham gia các phiên giao dịch việc làm ngày càng được mở rộng không chỉ là sinh viên, người lao động đang chưa có việc làm, các trường hợp người lao động trong các hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, con các gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ, công an nhân dân đã hoàn thành nghĩa vụ, lao động là người khuyết tật, các hộ gia đình bị thu hồi đất do giải phóng mặt bằng, những người đã chấp hành xong hình phạt tù và người sau cai nghiện.
Để hỗ trợ việc làm cho các đối tượng đặc thù, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong nhiều năm qua đã tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho học viên cai nghiện ngay tại cơ sở. Các đối tượng trước khi hết hạn thời gian cai nghiện, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố đã tư vấn, giới thiệu việc làm ngay tại cơ sở, qua đó đạt được những kết quả tích cực.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Tây Nam để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong tổ chức các phiên giao dịch việc làm rất cần sự gắn kết giữa doanh nghiệp với người lao động thông qua hệ thống thông tin, trong đó cơ quan truyền thông đóng vai trò rất quan trọng.
“Chúng tôi đánh giá rất cao cách làm sáng tạo trong tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động được triển khai tại các quận, huyện. Một số quận, huyện đã mở rộng các trường hợp được tham gia tìm kiếm việc làm, ngoài người lao động, sinh viên không có việc làm còn có những người đã chấp hành xong hình phạt tù và người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Cách làm này thể hiện chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo cơ hội cho những người đã có một thời lầm lỡ trở về tái hòa nhập cộng đồng, trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Chúng tôi sẽ sâu chuỗi các cách làm đang được triển khai tại các quận, huyện, thị xã để tới đây thống nhất với các quận, huyện, thị xã mở rộng phạm vi, mở rộng các nhóm đối tượng cần quan tâm giải quyết việc làm để triển khai mô hình rộng trên địa bàn Thành phố”, ông Nguyễn Tây Nam nhấn mạnh.
Bình luận