Luật Đất đai sửa đổi nếu không bảo vệ tốt hơn quyền lợi người dân thì chưa vội ban hành Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hướng đến sự bình đẳng giữa các chủ thể sử dụng đất

Theo đó, tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, nhiều ý kiến đều thống nhất rằng, Luật Đất đai là đạo luật lớn, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, tác động đến từng gia đình, cá nhân và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo VCCI, Luật Đất đai năm 2013 cũng bộc lộ những tồn tại, do thủ tục hành chính rườm rà, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, cản trở trong tiếp cận đất đai. Cùng với đó, nhiều vụ việc liên quan đến đất đai vẫn tiềm ẩn những vấn đề về thiệt hại kinh tế, những vụ tham nhũng liên quan đến đất đai vẫn còn nhiều. Tỷ lệ số vụ tố cáo, khiếu nại liên quan đến đất đai còn lớn, chiếm trên 70% số vụ tố cáo khiếu nại…

Nhiều điểm mới quan trọng của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu đã thảo luận về việc Dự thảo bỏ quy định về hệ thống khung giá đất và hệ số biến động 5 năm 1 lần và thay vào đó là quy định về bảng giá đất và điều chỉnh biến động mỗi năm 1 lần. Đây là điểm tiến bộ so với Luật đất đai hiện hành. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nếu Nhà nước chỉ căn cứ vào sự biến động giá đất trên thị trường thì bảng giá đất sẽ được điều chỉnh một cách liên tục. Như vậy sẽ thiếu tính ổn định và gây ra rất nhiều ý kiến tranh cãi, không thống nhất.

Về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, nhiều điểm mới đã được đưa ra như: Quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của Hiến pháp về sở hữu đất đai và quyền con người;

Công khai, minh bạch bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất, chủ yếu giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm huy động các nguồn lực xã hội; Hoàn thiện các quy định về chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, đất tôn giáo kết hợp với mục đích khác, đất mặt nước sử dụng đa mục đích, sử dụng không gian ngầm, trên không,… để khởi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai, phù hợp với xu thế phát triển.

Được biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, tháng 10/2022 và kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/2023. Đồng thời, thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023.