Nhiều không gian mới, ấn tượng nơi Thủ đô văn hiến
Hiện thực hóa Thủ đô văn minh, hiện đại Luật Thủ đô (sửa đổi): Rộng mở để “cất cánh hóa Rồng” Hà Nội: Nhiều hoạt động nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô |
“Đánh thức” những di sản công nghiệp, văn hóa
Tại các thành phố lớn quỹ đất dành cho không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp. Nhận thấy được điều đó, những năm gần đây nhiều tổ hợp văn hóa sáng tạo mới được tạo ra, tập trung chuyển đổi, tái sử dụng những không gian đang bị quên lãng để tạo nên chuỗi sản phẩm, dịch vụ liên ngành. Trong đó, Hà Nội đang là nơi tiên phong thí điểm ý tưởng, “đánh thức” những di sản công nghiệp, văn hóa.
Đầu tiên phải kể đến Tháp nước Hàng Đậu, sau hàng chục năm "cửa đóng, then cài", ngay từ ngày đầu mở cửa, kiến trúc độc đáo này đã thu hút hàng nghìn người dân và du khách xếp hàng dài đến tham quan, trải nghiệm. Đa số ý kiến đều bày tỏ sự hứng thú, bất ngờ khi lần đầu được vào tham quan công trình kiến trúc lịch sử này, đồng thời được thưởng thức hiệu ứng âm thanh, ánh sáng vô cùng sống động qua triển lãm "Sắp đặt nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu".
Tháp nước Hàng Đậu được xây dựng năm 1894, là một trong những công trình kiến trúc cổ của Hà Nội do người Pháp xây dựng. |
Một điểm nhấn sáng tạo và mang đến trải nghiệm hấp dẫn, bất ngờ và truyền cảm hứng nhất chính là khu vực Nhà máy xe lửa Gia Lâm - một di sản công nghiệp nổi bật của Thủ đô Hà Nội. Một không gian xưa cũ tưởng như bị lãng quên bỗng được đánh thức bởi hàng loạt sự kiện âm nhạc, thời trang, nghệ thuật sắp đặt độc đáo, các hội thảo, workshop, hội chợ, vui chơi…, với kỳ vọng thắp sáng di sản công nghiệp thành các không gian nghệ thuật sáng tạo đặc sắc.
Ngoài ra, nhiều mô hình chuyển đổi từ nhà máy cũ thành không gian sáng tạo thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng như Complex 01 nằm trên phố Tây Sơn được tái thiết trên nền Nhà máy in Công đoàn; 282 Workshop tọa lạc trên phố Phú Viên (quận Long Biên) trở thành không gian sáng tạo trong một nhà máy sản xuất mũ cối cũ,...
Hài hòa giữa lợi ích phát triển văn hóa, kinh tế, môi trường và cộng đồng
Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, khoảng 7 năm trở lại đây, nhu cầu "hồi sinh" các không gian công cộng bị xuống cấp trong đô thị trở nên cấp thiết. Bài toán đặt ra là làm sao sử dụng các dự án nghệ thuật tương tác với bối cảnh cụ thể trong không gian đô thị vừa có thể phát triển được kinh tế, vừa nâng cao được phúc lợi xã hội cho cộng đồng. "Con đường bích họa Phùng Hưng là thí điểm đầu tiên và cho đến nay cũng đã chứng tỏ được chỗ đứng trong phát triển không gian cộng đồng tại Hà Nội", ông Sơn nói.
Nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật. |
Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, nhà đồng sáng lập Think Playgrounds chia sẻ: “Không gian công cộng trong thành phố thay đổi rất nhanh chóng trong quá trình đô thị hóa. Mật độ dân số càng tăng cao thì không gian chung càng bị thu hẹp. Trong khi đó, tổ chức thế giới WHO đã có những tiêu chí chứng minh rằng sức khỏe đô thị được tạo nên bởi sự gắn kết mật độ dân số, cách sử dụng không gian công cộng và không gian xanh. Tỷ lệ gắn kết thấp thì chất lượng cuộc sống cũng sẽ thấp nên thay vì làm mất dần không gian công cộng thì chúng ta nên bổ sung thêm quỹ không gian ấy”.
Trong 10 năm hoạt động, Think Playgrounds đã làm hơn 240 sân chơi trên toàn quốc và chủ yếu là ở thành phố. Những sân chơi được tận dụng các không gian đất bị sử dụng sai mục đích, thậm chí có những sân chơi được cải tạo từ bãi rác như công viên rừng Phúc Tân và công viên rừng Chương Dương,...
Những năm gần đây, ngoài việc phát triển các không gian di sản văn hóa, các khu công nghiệp cũ theo hướng nghệ thuật, các tổ chức thực hiện dự án còn hướng công trình theo hướng đa năng hóa, vừa thỏa mãn được giá trị văn hóa, thẩm mỹ, vừa tạo được sân chơi cho người dân Thủ đô đồng thời duy trì và bảo tồn các giá trị công nghiệp của thành phố, hài hòa giữa lợi ích phát triển văn hóa, kinh tế, môi trường và cộng đồng.
Tuy nhiên, không gian cải tạo của các dự án này đang còn ở quy mô nhỏ, manh mún, hoạt động cầm chừng và còn gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình vận hành do thiếu chính sách hỗ trợ, thiếu kinh nghiệm quản lý.
“Khơi nguồn” sáng tạo trong tái thiết Thủ đô
Hà Nội thuận lợi trong phát triển không gian nghệ thuật, tuy nhiên cũng không ít khó khăn, thách thức, nhất là chưa có quỹ nghệ thuật để các nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ tự do có thể xin tài trợ, đề xuất dự án.
Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, điểm mạnh của Hà Nội là có văn hóa lịch sử lâu đời, nhất là hàng trăm di tích trong đô thị đang cần trùng tu, cải tạo lại, tạo sức sống cho nó thay vì đóng cửa thường xuyên. Những không gian công cộng cũng như không gian điểm tham quan cần phải đổi mới, sáng tạo dựa trên dòng chảy văn hóa lịch sử. Các dự án nghệ thuật công cộng hay dự án thúc đẩy phát huy giá trị di sản cần được tích hợp thêm nghệ thuật để trở thành không gian sáng tạo, kích thích kinh tế, du lịch phát triển.
Để phát huy tốt các không gian sáng tạo, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, bên cạnh đầu tư nguồn lực, Hà Nội cần phải quy hoạch những không gian sáng tạo riêng. Với hơn 100 cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô Hà Nội, đây chính là nguồn tài nguyên cực kỳ giá trị nếu thành phố tái thiết, chuyển đổi thành các không gian sáng tạo hoặc không gian công cộng. Ngay cả khi chuyển đổi, các cơ sở công nghiệp có thể chuyển toàn phần, cũng có thể chuyển một phần theo hướng hình thành không gian sáng tạo kết hợp với bảo tồn di sản công nghiệp.
KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội thì cho rằng: Sáng tạo chính là tạo ra một nguồn lực mới từ những cái cũ, tìm ra những động lực mới, sự phát triển mới. Muốn làm được như vậy thì phải có sự nhận diện và phát triển nguồn lực. Theo KTS Trần Huy Ánh, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tái thiết thủ đô bài bản nhưng toàn bộ bản kế hoạch đó thực tế chưa nhận diện và đánh giá được cái nào đúng cái nào sai, cái nào tiến bộ, cái nào hiệu quả. Ví như những nhà máy cũ di dời không trở thành không gian công cộng mà thành dự án bất động sản cũng ảnh hưởng lớn tới những không gian sáng tạo. |
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho biết, Hà Nội đang sở hữu hơn 100 không gian sáng tạo và sẽ tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới khi Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển trung tâm sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Đây là điều kiện quan trọng để cơ quan quản lý đề xuất các nội dung, tháo gỡ khó khăn nhằm đánh thức tiềm năng di sản văn hóa bị lãng quên theo hướng thiết kế sáng tạo.
Bình luận