Nhiều khuyến nghị giúp Việt Nam giữ đà tăng trưởng kinh tế
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề có ý nghĩa quan trọng, cả trong ngắn hạn và dài hạn, đối với Việt Nam và khu vực Đông Nam Á như duy trì ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và thu hút FDI chất lượng cao.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hoan nghênh và đánh giá cao quan hệ đối tác với OECD ngày càng phát triển hiệu quả, thực chất. Các báo cáo nghiên cứu, tư vấn chính sách, các hoạt động phối hợp với OECD thời gian qua đạt chất lượng cao, nhiều khuyến nghị có tính khách quan, có giá trị thực tiễn và lý luận từ OECD góp phần hỗ trợ tích cực Việt Nam trong xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn. |
Bộ trưởng nhấn mạnh, Diễn đàn lần này là cơ hội để Việt Nam nắm bắt những ý tưởng mới, tham khảo các thực tiễn tốt của OECD và khuyến nghị chính sách trong cải cách thể chế kinh tế thị trường; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới quản trị doanh nghiệp; thu hút đầu tư nước ngoài gắn với công nghệ cao và bảo vệ môi trường…
Bộ trưởng đề nghị OECD hỗ trợ Việt Nam tìm ra các động lực đột phá cho tăng trưởng; nắm bắt, chắt chiu các cơ hội để thực hiện các mục tiêu phát triển của mình.
Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới có nhiều thách thức, Việt Nam nổi lên là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, trong khi mức lạm phát thấp hơn hầu hết các nước OECD và Đông Nam Á. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến hấp dẫn để đa dạng hoá chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Tổng Thư ký OECD khẳng định tăng cường quan hệ với Việt Nam tiếp tục là một ưu tiên của OECD trong thúc đẩy hợp tác với khu vực Đông Nam Á.
Tại Phiên thảo luận về triển vọng kinh tế vĩ mô, các chuyên gia kinh tế của OECD, ABD, Indonesia đánh giá Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là khu vực tiếp tục giữ được mức tăng trưởng ấn tượng sau tác động của dịch Covid-19 nhờ chính sách thích ứng linh hoạt và chiến dịch vắc-xin được triển khai nhanh.
Để tiếp tục giữ được đà tăng trưởng này, các chuyên gia đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam: Tiếp tục kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện tính bền vững của chính sách tài khoá; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội, cải cách hệ thống lương hưu và tài chính công để đối phó với tình trạng dân số già hoá; Kiến tạo các động lực tăng trưởng mới thông qua cải cách cơ cấu, nâng cao năng suất, chú trọng các chương trình phát triển bền vững.
Diễn đàn kinh tế cao cấp Việt Nam - OECD năm 2022 là cơ hội để Việt Nam nắm bắt những ý tưởng mới, tham khảo các thực tiễn tốt của OECD và khuyến nghị chính sách trong cải cách thể chế kinh tế thị trường. |
Tại phiên thảo luận về thu hút FDI chất lượng cao phục vụ tăng trưởng xanh và chuyển đổi số, các diễn giả từ OECD, Indonesia, Malaysia, Viện nghiên cứu Kinh tế khu vực Đông Nam Á và Đông Á (ERIA), Viên Nghiên cứu Kinh tế Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Hà Nội đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam và các nước Đông Nam Á; nhấn mạnh khu vực còn nhiều dư địa thu hút các nguồn đầu tư “xanh”.
Để biến tiềm năng thành cơ hội, các chuyên gia khuyến nghị cần: Tạo thuận lợi hơn nữa môi trường đầu tư-kinh doanh của doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính; Tập trung thu hút các nguồn FDI xanh, chất lượng cao thông qua triển khai hiệu quả mạng lưới các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết; duy trì chính sách thương mại rộng mở, nhất là tăng cường tạo thuận lợi hoá thương mại dịch vụ; Xây dựng chiến lược khí hậu với lộ trình rõ ràng, khả thi nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050; chuyển đổi xanh phải là “yêu cầu bắt buộc” trong giai đoạn tới.
Diễn đàn kinh tế cao cấp Việt Nam - OECD đã kết thúc tốt đẹp, qua đó tăng cường thảo luận chính sách giữa OECD và Việt Nam trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, là bước triển khai cụ thể Kế hoạch hành động và Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam - OECD giai đoạn 2022-2026. Diễn đàn cũng góp phần quan trọng xác định các ưu tiên, định hướng hợp tác cho Chương trình SEARP của OECD trong giai đoạn Việt Nam đảm nhiệm vị trí Đồng Chủ tịch.
Bình luận