Tăng cường kết nối cung cầu lao động trước Tết Nguyên đán 2023 Hà Nội: Trên 2.800 chỉ tiêu việc làm dịp cuối năm

Thu nhập cao từ nghề kết hoa chơi Tết

Cận Tết Nguyên đán 2023, trong các gian hàng trưng bán hoa lan Hồ điệp tại Hà Nội, những người thợ có tay nghề cao đang tất bật ngày đêm tạo hình, lên chậu cho hoa với mức thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.

Anh Nguyễn Thành Văn - chủ một shop hoa nằm trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) cho biết cửa hàng của anh mới nhập về hơn 15.000 bầu lan.

Anh Văn chia sẻ, xu hướng chơi lan Hồ điệp dịp Tết ngày càng tăng bởi ngoài đẹp, màu sắc tươi tắn, bắt mắt thì các chậu lan được thiết kế theo các thế khác nhau với yêu cầu của người chơi. Đặc biệt, lan Hồ điệp rất bền, chơi được khoảng từ 2 đến 3 tháng.

Nhiều nghề “hái” ra tiền dịp cận Tết
Thợ kết hoa lan đều được trả công theo từng cành lan thành phẩm với số tiền công từ 20.000 - 30.000 đồng tùy theo tay nghề của từng tốp thợ.

“Nhu cầu khách hàng cao, bán ra lượng hoa nhiều nên những công nhân cắm lan, trang trí chậu lan có tay nghề cao có thu nhập rất tốt trong dịp Tết. Dịp này, tôi phải thuê 5 thợ kết lan chính và 5 thợ phụ để thiết kế, tạo hình, cho lan vào chậu để bán cho khách”, anh Văn nói.

Với kinh nghiệm 5 năm kết hoa lan, anh Lê Văn Nghĩa cho biết: “Bình thường tôi cắm hoa tươi cho các shop. Dịp Tết, tôi chuyển sang kết lan vào chậu. Mỗi ngày, tôi kết được khoảng 200 - 350 bầu lan vào chậu, mỗi bầu được trả công 20.000 đồng, bình quân thu nhập mỗi ngày khoảng 5 triệu đồng”.

Theo anh Nghĩa, tùy vào từng dáng (tròn, một mặt, rủ…) và màu hoa khác nhau, trung bình để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh phải mất khoảng 1 - 2 tiếng, những chậu hoa “khủng” khách yêu cầu tỉ mỉ thì thời gian sẽ kéo dài hơn.

Là một trong những cơ sở kinh doanh lan lâu năm ở Hà Nội, dự kiến, dịp Tết này, chị Hoàng Thu Hương (quận Tây Hồ) sẽ bán ra khoảng 30.000 bầu lan Hồ điệp các màu ra thị trường. Do đó, chị phải thuê gần 20 thợ kết lan để vào chậu cho khách.

Nhiều nghề “hái” ra tiền dịp cận Tết
Thợ kết lan chủ yếu làm theo hợp đồng của các chủ shop kinh doanh lan Hồ điệp.

Anh Quách Ngọc Bảo, thợ kết lan ở shop của chị Hương cho biết: “Nhóm của tôi vào kết lan có 8 người, hầu hết có tuổi nghề trên 5 năm, tay nghề cao. Đa phần, các thợ kết lan được tính công theo sản phẩm, mỗi bầu lan ghép vào chậu được trả công 20.000 đồng. Ngày cao điểm, thợ lành nghề như tôi có thể kiếm được trên 10 triệu đồng. Càng cận Tết, nhu cầu mua lan của khách càng cao, hàng về càng nhiều thì công việc càng bận rộn”.

“Việc cắm hoa đòi hỏi người thợ không chỉ khéo léo, tỉ mỉ, có mắt thẩm mỹ trong việc phối màu, tạo hình mà còn phải có sức bền, sự dẻo dai. Thông thường, hoa lan sẽ được cắm sẵn đặt tại cửa hàng hoặc cắm theo yêu cầu của khách”, anh Bảo cho hay.

Thợ kết lan chủ yếu làm theo hợp đồng của các chủ shop kinh doanh lan Hồ điệp. Đây là công việc thời vụ nhưng lại có thu nhập cao. Trung bình mỗi thợ chính có thu nhập 3-5 triệu/ngày, thợ phụ có thu nhập 1-1,5 triệu đồng. Cá biệt, có những thợ vào ngày cao điểm thu nhập lên đến 10 triệu đồng/ngày.

“Trang điểm” cho trái cây thu tiền triệu

Nắm bắt nhu cầu mua trái cây bày Tết, làm vật trang trí, hoặc để biếu tặng, đặc biệt là các loại trái cây có những hình thù đẹp, lạ, độc đáo, những ngày qua các mặt hàng như dưa hấu, dừa, bưởi được khắc chữ, viết chữ thư pháp, vẽ hình luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Tuy có thu nhập khá nhưng chỉ số ít người theo đuổi nghề do đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, tâm huyết mới có thể tạo ra tác phẩm đẹp.

Trước Tết hơn một tháng, anh Trần Danh Hùng - chủ cửa hàng tranh Danh Hùng (quận Đống Đa, Hà Nội) đã chào hàng trên mạng xã hội những trái dừa, trái dưa được điêu khắc công phu, đẹp mắt và độc đáo.

Ngoài những chữ thư pháp đầy tính nghệ thuật được nhiều người ưa thích như: Phúc, Tài, Lộc, Phát tài phát lộc, Vạn sự như ý,… còn có những hình vẽ hoa mai, hoa đào, phong cảnh, linh vật,… để mỗi tác phẩm làm ra đều có ý nghĩ mang đến sự may mắn, thịnh vượng cho khách hàng trong năm mới.

Nhiều nghề “hái” ra tiền dịp cận Tết
Quả bưởi sau khi trang trí giá cao gấp 4 - 5 lần so với bình thường.

Tùy vào hình dạng và kích thước của vật liệu mà có cách vẽ và bố cục hình thư pháp khác nhau. Ngoài “thổi hồn” cho các mặt hàng trái cây, những bức tranh, liễn do anh thực hiện cũng mang đậm phong cách riêng, với nét bút sắc sảo nên được nhiều người tìm mua, đặt hàng.

Chị Diệu Linh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã tận dụng sự khéo tay của mình để tranh thủ kiếm tiền những ngày cuối năm. Chị vẽ trên quả dừa, dưa hấu,... với các gam màu đỏ, vàng, xanh,… cùng hình ảnh đặc trưng của ngày Tết như: Hoa đào, hoa mai, những dòng chữ: Bình an; Thịnh vượng, Như ý,… rất bắt mắt. Một trái dừa, dưa hấu sau khi vẽ xong được chị Linh bán với giá 220.000 đồng (vẽ 2D) và 250.000 đồng (vẽ 3D).

Vì sản phẩm rất được ưa chuộng, khách hàng “chốt” đơn nhiều, nên năm nào những người làm công việc “trang điểm” cho trái cây cũng bị “cháy hàng”. Nhiều lần phải từ chối bớt đơn đặt hàng của khách, có những khách đặt rồi phải hủy vì năm hết tết đến không làm kịp.

“Thường, tôi sẽ nhận đơn đặt hàng trước rồi mới vẽ, năm nào cũng làm tới 30 Tết nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu của khách hàng”, chị Linh bộc bạch. Những ngày cuối năm chị thường làm việc không biết mệt mỏi. Để cho ra sản phẩm hoàn hảo nhất, chị Linh chăm chút từng chi tiết nhỏ.

Theo chị Linh, công việc này không cần đầu tư vốn nhiều, tiền mua vật liệu không bao nhiêu nên tiền lời cũng được nhiều, xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Dù là việc làm thời vụ nhưng đã giúp chị Linh thu về gần hơn 40 triệu đồng (sau khi trừ chi phí). Ngoài ra, chị Linh còn bán thêm các sản phẩm bánh, kẹo và mứt Tết.

Sơn, sửa nhà làm không hết việc

Như thường lệ, vào dịp cuối năm, các gia đình thường có nhu cầu sửa chữa, trang hoàng nhà cửa để đón Tết. Vì thế nhu cầu tìm thợ xây dựng, thợ sơn, thợ sửa chữa thiết bị điện tử,... cũng tăng lên. Trong số việc làm cuối năm thì đây là công việc cho thu nhập khá cao. Tuy nhu cầu tăng, nhưng không phải lúc nào các gia đình cũng tìm được lao động làm việc.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thành (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gia đình anh đang muốn sửa lại phần tường bị ẩm mốc, bong tróc nhưng thời điểm này tìm thợ quá khó. Anh Thành cho biết, chắc có thể sẽ phải đẩy lùi lịch sửa nhà ra ngoài năm.

“Mới có một đơn vị gọi điện báo giá, nhưng họ báo giá 700 nghìn/1 ngày công. Để sửa chữa được bức tường của gia đình phải thuê 2 lao động, làm trong khoảng 3 ngày để đánh mảng bám cũ sau đó mới quét chống thấm, chát xi và sơn vả lại. Mấy bức tường chỉ có diện tích vài 3m2 nhưng chi phí lên tới tới gần chục triệu đồng”, anh Thành chia sẻ.

việc làm cuối năm
Thợ sơn nhà cuối năm tranh thủ phút nghỉ ngơi uống nước.

Trong khi đó, anh Mai Huy Thành, chủ một đội sơn ở quận Thanh Xuân cho biết, thời điểm cuối năm này nhóm của anh thường xuyên bị quá tải công việc. Anh có đội thợ 15 người nhưng không đủ người để hoàn thành đơn đặt hàng của khách vào cuối năm. “Để phục vụ nhu cầu của khách, các anh em đều phải lsm ngoài giờ. Sáng làm việc từ 6 giờ, thậm chí làm việc cả tối, chia ca kíp”.

Theo anh Thành, hiện tại giá trọn gói để sơn 1m2 tường với loại sơn cao cấp là 90 nghìn/1m2; loại sơn giá trung bình 60 nghìn đồng/1m2; 30 nghìn đồng/1m2.

Anh Lê Ngọc Huy (25 tuổi) lao động trong tổ của anh Thành cho biết. Hiện giờ, tiền công của anh là 500 nghìn đồng/1 ngày. “Tính tổng thu nhập, hai tháng cuối năm tiền công của tôi cũng được tầm 30 triệu đồng”, anh Huy nói.

Dọn nhà kiếm tiền triệu mỗi ngày

Năm nào cũng vậy, từ giữa tháng Chạp đến ngày cuối cùng của năm cũ, rất nhiều gia đình ở các quận nội thành Hà Nội muốn thuê dọn dẹp nhà cửa để đón Tết trong ngôi nhà sạch sẽ, ngăn nắp. Nhu cầu rất lớn nhưng nguồn cung lao động lĩnh vực này lại chỉ đáp ứng được 30 - 40%.

Vì nhu cầu lớn nên công việc này đã mang lại nguồn thu nhập “khủng” cho những người làm công việc vệ sinh nhà cửa. Càng những người có thâm niên càng nhiều khách quen nên hầu như ai cũng phải “chạy sô” từ sáng sớm đến tối muộn.

Nhiều nghề “hái” ra tiền dịp cận Tết
Vì nhu cầu lớn nên công việc này đã mang lại nguồn thu nhập “khủng” cho những người làm công việc vệ sinh nhà cửa.

Chị Nguyễn Thị Hiền (quê Thái Bình) - một lao động thường xuyên nhận công việc dọn dẹp nhà cửa cho biết, tiền công một ngày thường của chị khoảng 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Dịp cận Tết tăng lên khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng. “Năm ngoái tôi làm chục ngày kiếm được hơn 20 triệu”, chị Hiền kể.

Nhưng cũng vì tiền công cao, đông khách nên 6 năm qua chị Hiền chưa đón Tết cùng gia đình. Chị thường tranh thủ làm xuyên Tết đến mùng 6 mới nghỉ vì nghĩ “chịu khó ăn Tết muộn chút nhưng có tiền lo cho gia đình cũng đáng”.

Từ đầu tháng Chạp, những người làm nghề dọn dẹp nhà cửa như chị Hiền đã bắt đầu tất bật. “Hầu như hôm nào tôi cũng rời nhà lúc 6h sáng và về lúc 11h đêm”, chị Hiền cho biết. Để giữ khách và giữ chữ tín nên bà thường làm việc liên tục, gần như không nghỉ ăn trưa - tối, thay vào đó là tranh thủ ăn bánh ngọt, lương khô hoặc bánh mì. “Thu nhập tính theo giờ, mỗi phút đều là tiền nên phải tranh thủ hết sức có thể”, chị Hiền nói.

Chị Mai Hương, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Huyền My cho biết, mỗi năm tới dịp Tết nhu cầu thuê người dọn dẹp nhà cửa đều tăng, riêng năm nay tăng khoảng 30%. Trên hệ thống của công ty chị ở Hà Nội đang có khoảng 5.000 cộng tác viên nhận việc dọn nhà trước và trong Tết. Giá dịch vụ năm nay không biến động so với các năm trước, khoảng 1-1,5 triệu đồng cho một ca làm bốn tiếng hoặc tổng vệ sinh một ngôi nhà, nhưng nhu cầu thuê trước Tết Quý Mão tăng vọt.

“Trước Tết một tháng, nhiều chủ nhà đã đặt lịch sẵn trên hệ thống để tránh việc không tìm được người”, chị Hương cho hay.