Người dân, doanh nghiệp đã được hỗ trợ gần 46 nghìn tỷ đồng thuế, phí trong 6 tháng đầu năm Hàng nghìn hộ dân thoát nghèo nhờ vốn vay chính sách
Nới điều kiện vay vốn với doanh nghiệp và người dân
Các tổ chức tín dụng dự kiến sẽ giảm bớt thắt chặt những điều kiện cho vay đối với một số lĩnh vực. Ảnh: LD

Sẽ giảm bớt thắt chặt ở nhiều lĩnh vực

Các TCTD nhận định rủi ro tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng thấp hơn so với 6 tháng cuối năm 2021, đối với hầu hết các lĩnh vực, ngoại trừ lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán.

Đồng thời, các tổ chức này cũng dự kiến giảm bớt thắt chặt đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh du lịch, chứng khoán, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. Riêng lĩnh vực bất động sản, các tiêu chuẩn tín dụng vẫn được dự kiến sẽ giữ nguyên hoặc có thể thắt chặt hơn. Tuy nhiên, các điều kiện và điều khoản cho vay mua bất động sản để ở của khách hàng cá nhân vẫn tiếp tục duy trì xu hướng nới lỏng như 6 tháng đầu năm.

Về nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2022, nhiều TCTD nhận định nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay có cao hơn so với 6 tháng cuối năm 2021 và cùng kỳ các năm 2020-2021, song con số này vẫn thấp hơn so với thời kỳ trước dịch bệnh COVID-19.

Dự kiến trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu tín dụng tiếp tục cải thiện hơn so với 6 tháng đầu năm 2022 ở tất cả các lĩnh vực.

Tỉ lệ TCTD nhận định đã đáp ứng 100% nhu cầu vay của khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt mức 42,9%, cao hơn so với kỳ trước 2,9 điểm %. Đáng chú ý, 16 ngân hàng thương mại trọng yếu cho biết đã đáp ứng nhu cầu vay vốn ở mức độ cao (trên 75%) trong 6 tháng đầu năm 2022.

Về nhu cầu tín dụng của cả năm 2022, hoạt động cho vay để phục vụ đời sống và tiêu dùng nhận được nhiều dự báo nhu cầu sẽ tăng nhất, tiếp theo là nhu cầu về vay thương mại, dịch vụ và vay phát triển công nghiệp, xây dựng. Trong khi đó, nhu cầu tín dụng phát triển nông, lâm, thủy sản nhận được ít dự báo tăng trưởng nhất. Các lĩnh vực như đầu tư vận tải kho bãi, kinh doanh xuất nhập khẩu, mua nhà để ở và công nghiệp chế biến chế tạo là 4 lĩnh vực có số lượng TCTD dự báo nhu cầu vay vốn tăng nhiều nhất trong năm 2022.

Ngoài ra, 3 lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, xuất nhập khẩu, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống được các TCTD dự báo sẽ là động lực cho tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2022 cũng như cả năm 2022 và năm 2023.

Dự báo tín dụng ước tăng 15% cả năm

Theo báo cáo chiến lược vĩ mô nửa cuối năm 2022 của CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS), nhóm chuyên gia nhận định tăng trưởng tín dụng cao nhờ phục hồi kinh tế sau đại dịch và gói hỗ trợ lãi suất.

Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến ngày 30.6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng ở mức 9,35%. Trong đó, cơ cấu tín dụng tập trung ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực được ưu tiên.

TPS nhận định mức tăng trưởng tín dụng cao ở hầu hết các ngành nghề và lĩnh vực. Những mảng khó khăn ghi nhận sau COVID-19 như nhà hàng, khách sạn ghi nhận tăng trưởng 8%, giao thông vận tải dịch vụ tăng 8,25%, công nghệ phụ trợ tăng lên 7,6%... Những chính sách hỗ trợ như cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ (Thông Tư 14/NHNN) đã góp phần hỗ trợ trong quá trình phục hồi.

Các chuyên gia phân tích cũng cho rằng, trong những tháng đầu năm phía Ngân hàng Nhà nước có động thái kiểm soát quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo hướng tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán… Cuối tháng 5, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 31 năm 2022 về gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỉ đồng, tương đương 19% dư nợ cho vay năm 2021 (khoảng 2 triệu tỉ đồng).

TPS ước tính năm 2022, tín dụng toàn ngành sẽ tăng cao là 15% (so với mục tiêu chung của Ngân hàng Nhà nước là 14%) trong điều kiện nhu cầu cao hồi phục sau đại dịch và thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội.

Theo Trí Minh/laodong.vn

https://laodong.vn/xa-hoi/noi-dieu-kien-vay-von-voi-doanh-nghiep-va-nguoi-dan-1068052.ldo