Nuôi gà bằng công nghệ mới thu hàng tỷ đồng mỗi tháng
"Khởi nghiệp - Được hay mất", góc nhìn thực tế cho giới trẻ trong bước đầu lập nghiệp Nhiều sản phẩm hay tham gia Festival khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng |
Chia sẻ về “mối duyên” gắn bó với nghề sản xuất, kinh doanh gà giống, ông Ngọc cho hay, trước đây ông chưa từng nghĩ mình sẽ gắn bó với nghề chăn nuôi vì mọi công việc ông làm đều không liên quan gì với nghề này.
Theo đó, ông Ngọc vốn là giảng viên Trường Cao đẳng Công trình đô thị, chuyên ngành cơ khí. Với đồng lương giáo viên ít ỏi, cuộc sống của ông gặp khá nhiều khó khăn. Năm 1994, thấy có thông báo tuyển dụng lao động đi Libya, ông Ngọc quyết tâm đi Libya để lấy vốn làm ăn.
Lấy nỗi nhớ gia đình làm động lực, sau hai năm đi nước ngoài, đến năm 1996, ông Ngọc về nước để lập nghiệp. Số tiền mang về ông mua đất, xây nhà và mở cửa hàng kinh doanh thuốc thú y. Cuộc sống của gia đình ông từ đó cũng ổn định, khấm khá hơn trước.
Vượt khó khăn, ông Hoàng Mạnh Ngọc đã thành công với nghề sản xuất gà giống, đưa lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi tháng. |
Nhận thấy những tiềm năng từ nghề chăn nuôi, năm 2004, ông Ngọc làm thêm mảng sản xuất con giống gia cầm. Ban đầu, ông Ngọc chỉ có 3 máy ấp trứng với quy mô vài nghìn gà sinh sản, mỗi mẻ sản xuất vài nghìn con giống, tiêu thụ cho nhân dân quanh địa phương. Dù nhu cầu của thị trường khi đó rất lớn, nhưng ông Ngọc cũng đành lực bất tòng tâm vì diện tích sản xuất hẹp, không thể đáp ứng đủ nguồn cung ra thị trường.
Rất may mắn, từ năm 2015, thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa của Nhà nước; Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội định hướng phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi theo quy mô lớn ngoài khu dân cư, chăn nuôi sinh học công nghệ cao… ông Ngọc đã có thể mở rộng trang trại. Sau khi làm việc và đàm phán với khoảng 40 hộ dân, ông Ngọc đã dồn điền được 17.000m2 mở trang trại chăn nuôi, sản xuất giống gia cầm.
“Thực sự mà nói, nếu có quyết tâm mà không có cơ hội từ chủ trương và định hướng của Thành phố thì chắc chắn người nông dân như chúng tôi khó mà mạnh dạn đầu tư lớn như vậy. Lúc đấy, ở huyện Đông Anh tôi được Hội Nông dân giới thiệu là điển hình thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội nên được khuyến khích, tạo điều kiện rất nhiều”, ông Ngọc chia sẻ.
Cũng theo ông Ngọc, ông có lợi thế hơn nhiều nông dân khác khi thường xuyên được giới thiệu đi dự các buổi toạ đàm, tập huấn, hội thảo. Thông qua đó, ông nắm bắt được những tiến bộ mới trong chăn nuôi cũng như chính sách hỗ trợ nông dân phát triển. Đầu năm 2018, Nghị định 57 của Chính phủ được ban hành, với những cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ông đã thành lập ngay Công ty Cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng.
Có thể khẳng định, ông Ngọc là người dám nghĩ, dám làm. Trong quá trình chăn nuôi, ông luôn đưa công nghệ cao vào sản xuất và chăn nuôi theo hướng sinh học gắn với bảo vệ môi trường.
Ông Ngọc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gà giống. |
Với phương châm không được để gà mắc bệnh, ông Ngọc cũng là một trong những người đầu tiên ở Đông Anh xây dựng trại lạnh, trại lồng nuôi gà sinh sản và dây chuyền sản xuất gà giống đều áp dụng công nghệ khép kín. Theo đó, ông đã áp dụng công nghệ thông tin 4.0 vào các khâu kiểm soát nhiệt độ, thức ăn nước uống trong chuồng nuôi, nhiệt độ trạm ấp. Cùng với đó, hệ thống cho gà ăn, uống cũng được tự động hóa giúp ông tiết kiệm được sức người cũng như chi phí chăn nuôi.
Đặc biệt, ông cũng là người có cách làm sáng tạo trong phòng bệnh cho gà nhờ xét nghiệm máu cho gà đều đặn hàng tháng. Việc xét nghiệm máu cho gà mỗi tháng để giám sát kháng thể, nếu kháng thể thấp thì tiêm bù vaccine cho gà. Bên cạnh đó, việc áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà cũng đã đưa lại hiệu quả kinh tế lớn cho trang trại gà của gia đình.
Thời điểm hiện tại, với xưởng ấp rộng 2.000m2 cùng khu vực chăn nuôi gà sinh sản rộng 15.000m2 có 35.000 gà bố mẹ kết hợp cùng 7 trang trại nuôi gia công vệ tinh có 170.000 gà bố mẹ đã đưa lại doanh thu cho công ty khoảng 9 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, cũng theo ông Ngọc, lợi nhuận của công ty vẫn còn bấp bênh do đặc thù nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: giá cả thị trường, dịch bệnh… Tuy nhiên, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ông cũng luôn đảm lợi nhuận cao nhất cho các trang trại vệ tinh.
Với những cống hiến, đóng góp trong ngành chăn nuôi, ông Hoàng Mạnh Ngọc cũng là một trong hai nông dân của Thủ đô được biểu dương “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022.
Bình luận