Đồng bộ các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô Cần phối hợp chặt chẽ các chính sách để kiểm soát lạm phát

Tăng trưởng cao hơn, tại sao không?

Thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Quốc hội giao mục tiêu mức tăng GDP đạt khoảng 6-6,5%; Chính phủ phấn đấu đạt ở mức cao 6,5%. Dù còn gần nửa chặng đường phía trước nhưng với mức tăng trưởng 6,42% của 6 tháng đầu năm, chúng ta hoàn toàn tin tưởng mục tiêu cao (mức 6,5% mà Chính phủ đặt ra) sẽ đạt được.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt cao hơn nữa không, như ở mức khoảng 7% mà nhiều tổ chức trong và ngoài nước dự báo gần đây? Tuy câu trả lời cuối cùng chỉ có được vào cuối năm, nhưng đến nay cũng có thể khẳng định khả năng cao mục tiêu này sẽ đạt được, khi chỉ cần nhìn tới một vài yếu tố dưới đây.

Thứ nhất, quỹ đạo phục hồi nhanh đã hình thành. Ngay sau khi cơ bản kiểm soát được đại dịch Covid-19 (chủ yếu nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao) và thực hiện chiến lược chuyển hướng sống chung an toàn với dịch, nền kinh tế dần mở cửa trở lại, thì tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục nhanh từ quý IV/2021 với xu hướng ngày càng cao hơn, đặc biệt quý II/2022 đã có mức tăng 7,7%. Rất nhiều chuyên gia và tổ chức dự báo, tăng trưởng GDP quý III sẽ ở mức 2 con số (tức 10% trở lên).

on dinh vi mo va tang truong cao hon
Tăng trưởng GDP năm nay có thể vượt 7%.

Thứ hai, các yếu tố hỗ trợ và là động lực cho tăng trưởng, cho quỹ đạo phục hồi nhanh này đều ổn định, tiếp tục có tăng trưởng tích cực trong thời gian vừa qua. Có thể thấy điều này trong khu vực nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Đáng chú ý, hết 7 tháng đầu năm, ngành dịch vụ có sự phục hồi rất mạnh, đóng góp tích cực cho tăng trưởng.

Tuy nhiên trong khu vực dịch vụ, đặc biệt liên quan đến các lĩnh vực như vận chuyển và luân chuyển hành khách, hàng hóa; dịch vụ lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành… dù đều ghi nhận mức tăng “bằng lần” so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với các giai đoạn cùng kỳ trước khi xảy ra dịch bệnh.

Đơn cử, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng năm 2022 đạt 954,6 nghìn lượt người, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng mới chỉ bằng 9,7% 7 tháng đầu năm 2019. Như vậy, giả thiết chúng ta tiếp tục giữ được các động lực chính của tăng trưởng ổn định (nông nghiệp, công nghiệp) và đặc biệt là khai thác được tốt hơn những lĩnh vực còn rất nhiều dư địa trong mảng dịch vụ thì tăng trưởng GDP cả năm đã có thể chạm mức 7%.

Thứ ba, các kết quả từ giải ngân đầu tư công theo kế hoạch hàng năm và theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thực tế chưa đóng góp nhiều vào tăng trưởng trong nửa đầu năm.

Tại cuộc họp của Tổ công tác số 4 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 ngày 1/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương phải rất nỗ lực, xác định rõ nguyên nhân, tìm ra giải pháp để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, phấn đấu giải ngân toàn bộ trong tháng 12/2022.

Sau khi những nhân tố mang cả tính chất khách quan và chủ quan khiến giải ngân chậm được giải quyết, đây sẽ là nguồn lực và động lực quan trọng giúp tăng trưởng có thể vượt 7% trong năm nay.

Thứ tư, 7 tháng vừa qua, mỗi tháng cả nước có bình quân 19,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 11,6 tỷ USD và là giá trị giải ngân cao nhất của 7 tháng các năm 2018-2022… Tất cả đang cho thấy tâm thế mới, năng lực mới quan trọng cho tăng trưởng năm 2022.

Trong khi đó áp lực lạm phát cao - yếu tố có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng - là vấn đề được cảnh báo rất nhiều gần đây nhưng nhiều tổ chức dự báo chỉ quanh mức 4% trong cả năm nay, tức có thể không còn thấp như 2 năm vừa qua song cũng chỉ quanh mức mục tiêu đề ra.

Thực tế, lạm phát đến nay vẫn trong tầm kiểm soát với CPI bình quân 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng của bình quân 7 tháng các năm 2018-2020. Lạm phát cũng chủ yếu đến từ chi phí đẩy (lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,44%), trong khi áp lực từ giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian gần đây.

Nhưng ổn định vĩ mô phải là ưu tiên hàng đầu

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận những thách thức từ tác động bên ngoài, cộng hưởng với những hạn chế, khó khăn của nội tại trong nước là có thực và không hề nhỏ, từ áp lực lạm phát bị đẩy lên (khó khăn hơn cho công tác quản lý giá, điều tiết sản xuất, cân đối cung - cầu ở một số nhóm hàng hóa) đến rủi ro chậm lại của xuất khẩu, sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó là những rủi ro vẫn hiện hữu trên các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; dịch Covid-19 có thể tái diễn biến phức tạp, nguy cơ “dịch chồng dịch”… Vì vậy, duy trì và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định luôn phải là ưu tiên hàng đầu.

on dinh vi mo va tang truong cao hon

Tại hội nghị thảo luận về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Quan điểm định hướng chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới là tuyệt đối không được chủ quan. Theo đó, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn là mục tiêu ưu tiên vừa mang tính cấp bách, vừa mang tầm chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian còn lại của năm 2022 và những năm tiếp theo.

Theo bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB), thách thức hiện nay của Việt Nam là bảo đảm cân bằng giữa phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát.

“Nhiệm vụ khó khăn là phải cân bằng giữa nhu cầu cung cấp hỗ trợ chính sách liên tục để củng cố sự phục hồi với nhu cầu kiềm chế lạm phát và rủi ro tài chính đang nổi lên”, chuyên gia này nói và cho rằng, điều này đòi hỏi phải hết sức linh hoạt và nhanh nhạy trong điều phối chính sách tài khóa và tiền tệ. Làm tốt điều đó, kỳ vọng Việt Nam có thể tăng trưởng GDP hơn 7%, trong khi giữ được lạm phát chỉ khoảng 3,8% trong năm nay.

Cùng quan điểm, bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia kinh tế cao cấp Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đánh giá việc kiểm soát lạm phát được Việt Nam thực hiện tốt, tuy nhiên vẫn cần cảnh giác cao với rủi ro này vì tình hình thế giới diễn biến phức tạp, giá năng lượng tăng cao.

Bà Nga cũng đánh giá kinh tế Việt Nam phục hồi rất mạnh và trên diện rộng; dự trữ ngoại hối khá đầy đủ để triển khai các chính sách vĩ mô.

“IMF trong cập nhật Triển vọng Kinh tế thế giới tháng 7 vừa qua đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay từ mức 6% trước đây lên 7%; đồng thời giữ nguyên mức dự báo lạm phát với Việt Nam trong năm 2022”, vị này cho biết.

Có thể thấy, các nền tảng cho việc cùng lúc đạt được mục tiêu giữ kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng cao hơn đã có, nhưng thách thức cũng rất nhiều và việc đạt được hay không còn phụ thuộc vào mức độ chủ động, linh hoạt thích ứng của Việt Nam ra sao trong những tháng còn lại của năm nay.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, mục tiêu điều hành trong thời gian tới là phải “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhưng không làm suy yếu các động lực tăng trưởng”.

Theo đó, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2021-2025 khoảng 6,5-7% và bảo đảm các cân đối lớn đặt ra trong giai đoạn này. Riêng năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt mức khoảng 7%, kiểm soát lạm phát tăng dưới 4%.

Theo Đỗ Lê/thoibaonganhang.vn

https://thoibaonganhang.vn/on-dinh-vi-mo-va-tang-truong-cao-hon-129771.html