Hiện thực hóa mục tiêu xuất nhập khẩu hàng hóa Những điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm

Nhìn lại diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sáu tháng đầu năm, có thể thấy, các tháng đều tăng, không có tháng nào giảm, và tháng tăng cao nhất là tháng 2, đúng dịp Tết Nguyên đán cho nên giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng theo quy luật tiêu dùng hằng năm. Tăng thấp nhất là tháng 4, chỉ tăng 0,18% so với tháng trước.

Ảnh: THÀNH ĐẠT
Ảnh: THÀNH ĐẠT

Vẫn trong tầm kiểm soát

Tuy nhiên, bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, cũng có một số nguyên nhân làm giảm CPI trong quý II năm 2022, như giá thịt lợn bình quân giảm tới 18,65% làm CPI giảm 0,63%; giá dịch vụ giáo dục giảm 2,86%, hay giá thuê nhà giảm. Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê bình quân sáu tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so cùng kỳ, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,44%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, trong sáu tháng đầu năm, kinh tế phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy vậy, khi giá thế giới tăng đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, qua đó sẽ gây áp lực lạm phát sáu tháng cuối năm. Hơn nữa, giá xăng dầu neo cao, làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, gây áp lực lên hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế. Nhiều lo ngại thời gian tới kinh tế trong nước sẽ phải đối mặt với khó khăn, sức ép lạm phát tiếp tục tăng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội. Các chính sách được ban hành kịp thời giúp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như: giảm thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí.

Đồng bộ các giải pháp

Từ thực tế đó, dự báo sẽ có nhiều thách thức với kinh tế giai đoạn nửa cuối năm 2022. Tác động của dịch Covid-19 đối với các ngành khác nhau nên mức độ phục hồi khác nhau, sức cầu còn yếu, dịch vụ phục hồi chậm. Đáng lo ngại là sức mua bắt đầu giảm, trong khi chi phí đầu vào tăng cao, doanh nghiệp không thể tăng giá bán.

Khó hơn nữa là doanh nghiệp không thể, không dám ký hợp đồng dài hạn, hợp đồng giá trị lớn vì không tính toán đuợc chi phí đầu vào biến động theo hướng ngày càng tăng cao. “Đây là thách thức lớn của cộng đồng doanh nghiệp”, T phân tích. Trong khi đó, có thể nhìn thấy rõ nguồn thu ngân sách trong nửa đầu năm 2022 chủ yếu từ các khoản thu về thuế, phí liên quan đất đai, trong khi các khoản thu từ sản xuất, kinh doanh rất ít, cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp vẫn đang khá yếu.

Hiện tại, nhiều nước đang phải đối diện với lạm phát lên tới 200%-300%, và với nền kinh tế có độ mở khá lớn như Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), trong vài năm gần đây do lãi suất tín dụng hạ thấp, một lượng tiền lớn có thể đã chuyển hướng vào lĩnh vực bất động sản tạo nên cơn sốt đất và tăng giá bất động sản ở nhiều địa phương, mặc dù thanh khoản thấp.

Đồng thời, sau các quyết định kiểm tra chặt chẽ hoạt động của thị trường cổ phiếu và trái phiếu, thị trường chứng khoán có nhiều biến động và chỉ số chứng khoán sụt giảm đến 21% cũng tạo nên sự lo lắng. Cần theo dõi chặt chẽ sự biến động trên cả hai thị trường này để tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường.

Đồng bộ các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô ảnh 1
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng vấn đề phụ thuộc nguyên liệu đầu vào nhập khẩu là yếu tố tạo áp lực lạm phát lớn nhất.

Theo ông Long, những tháng cuối năm, tạo áp lực lạm phát lớn nhất là yếu tố phụ thuộc nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. Vốn chiếm 37% chi phí nguyên, vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên, vật liệu của toàn nền kinh tế. Tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo-ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế-đã chiếm tới 50,98%. Do vậy, khi nguyên, vật liệu đầu vào tăng là yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát trong những tháng cuối năm.

Trước những ảnh hưởng đến từ lạm phát chuỗi cung ứng; giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới tăng cao và tổng cầu trong nước tăng đột biến, nhiều chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm. Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và điều hành giá cả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023 thì việc xây dựng kịch bản đối phó những biến động trên thị trường tài chính đóng vai trò rất quan trọng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát. Cần đa dạng hóa nguồn cung, bảo đảm nguồn cung của từng nhóm nguyên, vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực.

Một khi thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ, dự báo trong sáu tháng cuối năm nếu giá dầu và nguồn cung nguyên, vật liệu như hiện nay thì khả năng lạm phát cả năm sẽ giữ được trong khoảng 3,5%-3,8%.

Theo Sông Trà/nhandan.vn

https://nhandan.vn/dong-bo-cac-giai-phap-de-on-dinh-kinh-te-vi-mo-post705877.html