Hạn chế tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế Thị trường tài chính có dấu hiệu phục hồi tích cực

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế lần thứ 5, tại hội thảo chuyên đề “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản (BĐS) để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”, đại diện các bộ, ngành và các chuyên gia, nhà khoa học tập trung phân tích, làm rõ thực trạng diễn biến của 2 lĩnh vực rất quan trọng này, đồng thời đề xuất những giải pháp khơi thông kênh vốn trái phiếu doanh nghiệp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; kịp thời hỗ trợ thị trường bất động sản để tránh rơi vào suy thoái trong thời gian tới.

Theo phân tích của các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều diễn biến phức tạp theo hướng bất lợi, thị trường tài chính nước ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn liên quan đến áp lực tỷ giá, kiểm soát lạm phát, giải quyết thanh khoản. Yêu cầu đặt ra là phải phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, tăng cường quản lý đầu tư công và hỗ trợ tài chính đúng mục tiêu.

Lành mạnh hóa thị trường tài chính và BĐS để phát triển nhanh và bền vững
Hội thảo “Lành mạnh hoá thị trường tài chính và bất động sản, phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2022 do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng tổ chức ngày 17/12. (Ảnh minh họa: KT)

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay có 3 rủi ro lớn đối với hệ thống tài chính cần được nhận diện để có giải pháp khắc phục. Đó là sự mất cân đối, khi nguồn vốn vẫn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, trong khi thị trường trái phiếu, nhất là trái phiếu doanh nghiệp chưa phát huy tốt. Thứ hai là rủi ro về hệ thống tài chính đã và đang tăng lên, nhất là rủi ro lan truyền giữa ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm ngày một phức tạp hơn, tinh vi hơn. Thứ ba là về thể chế kinh tế của nước ta, dù đã và đang hoàn thiện nhưng cần hoàn thiện hơn nữa để khắc phục những hạn chế hiện tại và khuyến khích những mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính ngân hàng như: tài chính số, ngân hàng số.

“Cần đẩy mạnh hơn quá trình cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng, đặc biệt là những tổ chức tài chính yếu kém để đảm bảo phân bổ và huy động nguồn lực hiệu quả hơn. Việc này cũng đảm bảo hệ thống tài chính phát triển bền vững, tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh như đã xảy ra trong thời gian qua. Một vấn đề cần được ưu tiên trong năm 2023 là phải đảm bảo thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống, xử lý thật tốt nhu cầu trái phiếu đáo hạn, nhất là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản”, TS. Cấn Văn Lực nêu ý kiến.

Một kênh huy động vốn rất quan trọng đối với doanh nghiệp thời gian gần đây là kênh trái phiếu đang gặp rất nhiều khó khăn bởi niềm tin của các nhà đầu tư đang giảm sút, nhất là sau một số vụ án liên quan đến các doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn. Trong khi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn, thì năm 2023, có hơn 308.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn. Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mới phát sinh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, việc cho phép trái phiếu đã phát hành được gia hạn tối đa 2 năm sẽ góp phần giảm áp lực trả nợ của doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp tục huy động vốn qua kênh này. Mặc dù vậy, quyền lợi của người mua trái phiếu cần được đảm bảo.

“Những bản chào trái phiếu cách đây 2-3 năm đã quá cũ nên không có thông tin gì giúp nhà đầu tư để cập nhật tình hình chất lượng tín dụng cũng như khả năng trả nợ. Doanh nghiệp cần công khai minh bạch. Chính phủ huy động trái phiếu nội địa và quốc tế cũng rất minh bạch, thu chi, dự trữ ngoại hối đều được thống kê, công bố thì không có cớ gì doanh nghiệp huy động tiền của công chúng, vay nợ mà lại không minh bạch thông tin”, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FinnGroup nói.

Đối với thị trường bất động sản, Chính phủ đã liên tiếp có những động thái, từ ban hành Chỉ thị đến việc thành lập Tổ công tác của Chính phủ để kịp thời gỡ khó cho thị trường. Tuy nhiên, hàng loạt khó khăn, vướng mắc về pháp lý nếu được tháo gỡ kịp thời sẽ không khác gì một gói hỗ trợ trong lĩnh vực này. Việc tiếp cận nhà ở của người dân đang rất khó khăn bởi giá nhà tăng cao trong những năm qua, việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cần được đẩy mạnh thực hiện. Từ đầu năm, rất nhiều doanh nghiệp cam kết xây dựng nhà ở xã hội, nhưng đến nay vẫn chỉ là cam kết trên giấy.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc mất cân đối cung-cầu, mất cân đối giữa các phân khúc trên thị trường bất động sản kéo dài trong thời gian qua chủ yếu do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Việc sửa đổi các quy định về đất đai, thủ tục đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn để phát triển dự án cần được ưu tiên, khẩn trương thực hiện trong năm tới.

“Rất nhiều dự án chúng tôi thống kê trên toàn quốc, có vài trăm dự án không được công nhận chủ đầu tư nên nguồn cung giảm rất mạnh và từ đó giảm nguồn cung nhà ở. Từ việc giảm nguồn cung dẫn tới mất cân đối về sản phẩm nhà ở. Các dự án trước đây dự kiến phát triển ở phân khúc vừa túi tiền của người dân nhưng vì thiếu nguồn cung nên đã bị đẩy lên phân khúc nhà ở cao cấp với giá đẩy cao hơn gấp nhiều lần”, ông Lê Hoàng Châu nêu thực tế./.

Theo Thành Trung/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/lanh-manh-hoa-thi-truong-tai-chinh-va-bds-de-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-post991078.vov