PCI 2022: Doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn
Phát triển doanh nghiệp bền vững theo các tiêu chí ESG Kết nối, mở rộng xuất khẩu cho doanh nghiệp Thủ đô Phát huy tiềm lực các tập đoàn thương mại tư nhân trong tình hình mới |
Tại Lễ Công bố PCI 2022 ngày 11/4, bà Aler Grubbs, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh, PCI 2022 là thước đo kinh tế cho các tỉnh thành để nhìn nhận cụ thể về những thay đổi của địa phương trong cải cách thủ tục hành chính. Điều này cho thấy những nỗ lực đặc biệt của Chính phủ và các cơ quan.
Đây là lần đầu tiên có chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) được công bố. Đây là công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả của các cơ quan công quyền về vấn đề bảo về môi trường. Nhất là hiện nay, vấn đề môi trường đang hướng sang nền kinh tế xanh, và Việt Nam là quốc gia đầu tiên có chỉ số này cho cấp tỉnh. Việc tiếp cận nguồn lực tăng trưởng xanh đem lại nhiều tác động lớn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, và đây là động lực thúc đẩy Việt Nam phát triển vững với các mục tiêu đã cam kết.
Tuy nhiên, kết quả Khảo sát PCI 2022 cho thấy, quy mô doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh doanh nghiệp tư nhân đều ở mức thấp kể từ đại dịch Covid-19. Khảo sát cho thấy, một doanh nghiệp trung bình có quy mô vốn khoảng 15,6 tỷ đồng và 21 lao động. Trong khi năm 2019, quy mô vốn và lao động của một doanh nghiệp trung bình là 22,3 tỷ đồng và 23 lao động. Trong năm 2022, chỉ 5,1% doanh nghiệp tăng vốn đầu tư và 4,9% doanh nghiệp tăng quy mô lao động, giảm đáng kể so với mức tương ứng của năm 2019 (với tỷ lệ lần lượt là 8,3% và 11,5%).
Đánh giá chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp (Ảnh minh họa: Lê Thanh Hà) |
Về hiệu quả kinh doanh, năm 2022 chỉ 42,6% doanh nghiệp tư nhân cho biết họ có lãi, thấp hơn đáng kể con số 63% của năm 2019; tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ năm 2022 là 35,3% trong khi năm 2019 chỉ ở mức 23,4%. Cả hai con số tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi hoặc báo lỗ của 3 năm gần đây là những chỉ báo cho thấy các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã trải qua một quãng thời gian chật vật trong hoạt động kinh doanh.
Tình trạng khó khăn nêu trên của doanh nghiệp tư nhân trong nước có thể thấy rõ qua sự suy giảm tỷ lệ doanh nghiệp có khách hàng chính ở cả thị trường trong nước và nước ngoài kể từ đại dịch Covid-19. Năm 2019 tỷ lệ doanh nghiệp có khách hàng chính là doanh nghiệp FDI và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam lần lượt ở mức 17,2% và 9,6%; năm 2022, những con số này chỉ lần lượt ở mức 7,4% và 3,7%.
Không chỉ có vậy, tỷ lệ doanh nghiệp có khách hàng ở nước ngoài năm 2022 cũng giảm so với trước dịch Covid-19. Cụ thể, năm 2019, có 10,9% doanh nghiệp cho biết xuất khẩu trực tiếp và 8,7% xuất khẩu gián tiếp qua bên thứ ba; những con số này đã giảm dần trong những năm sau đó. Năm 2022, chỉ còn 3,9% doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp và 2,6% doanh nghiệp cho biết có xuất khẩu gián tiếp. Bên cạnh những kết quả đã nêu, Khảo sát PCI 2022 cũng cho thấy, những khó khăn về thị trường của doanh nghiệp tư nhân trong nước ghi nhận tại Khảo sát khá tương đồng với số liệu do Tổng cục Thống kê công bố mới đây.
Dù còn những điểm chưa được như kỳ vọng nhưng nhìn nhận cả một quá trình dài hạn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhận định, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh thực sự là một trong những ưu tiên chính sách quan trọng và nhất quán của ba nhiệm kỳ Chính phủ gần đây.
Định hướng của Chính phủ hiện nay là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ các rào cản về quy định pháp luật để khơi thông các nguồn lực phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ, các bộ ngành và địa phương ngày càng quan tâm đến việc rà soát, loại bỏ các chồng chéo của hệ thống pháp luật, tháo gỡ các rào cản về điều kiện kinh doanh, hài hòa hóa các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bảo Thoa
Bình luận