Đánh thức tiềm năng kinh tế biển từ hạt nhân Khu kinh tế Chu Lai Việt Nam chủ trương phát triển bền vững kinh tế biển Phát triển bền vững kinh tế biển
Phan dau den nam 2030 hinh thanh 7 cum lien ket nganh kinh te bien hinh anh 1
Cáp treo An Thới-Hòn Thơm, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 892/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.

Mục tiêu của đề án nhằm tạo dựng các cụm liên kết ngành kinh tế biển phát triển hiệu quả, có sức cạnh tranh hội nhập cao gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển cả nước và các khu vực vùng biển và ven biển trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, hướng đến Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.

Đề án phấn đấu tạo dựng cụm liên kết ngành kinh tế biển ở những khu vực vùng biển và ven biển có lợi thế, phấn đấu hình thành được khoảng 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển đến năm 2030; phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trước hết ở những khu vực trọng điểm gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, trong đó phát triển được 3-4 trung tâm kinh tế biển mạnh hàng đầu ở Đông Nam Á.

Các khu vực trọng điểm phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước từ 1,2 lần trở lên.

Theo phương hướng phát triển chung, Đề án hướng tới phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển với các thành phần chủ yếu gồm doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức, cơ sở cung ứng dịch vụ, hạ tầng chuyên dụng kinh tế biển, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, thương mại, hội ngành nghề liên quan và tham gia của các cấp, ngành, nhất là của các địa phương ven biển.

Việc phát triển dựa trên cơ sở nhu cầu hoạt động, hợp tác của doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở kinh tế và yêu cầu phát triển bền vững không phụ thuộc vào ranh giới hành chính.

Liên kết ngành, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động ở ven biển và trên biển đảo gắn với kết nối mạng lưới cơ sở liên quan trong nội địa, kết nối liên kết giữa các cụm liên kết ngành và với quốc tế.

Theo đề án, việc phát triển cụm liên kết ngành với các ngành ưu tiên theo Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam có lợi thế phát triển tại vùng biển và ven biển, nhất là các ngành sản phẩm, dịch vụ kinh tế biển có chuỗi giá trị gia tăng lớn, ứng dụng công nghệ cao, đóng góp vào tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái biển, ngành nghề kinh tế biển, góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo.

Trong đó, phát triển du lịch biển, đảo là một trong những trọng tâm ưu tiên trên cơ sở liên kết phát triển, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch của từng vùng và toàn bộ dải ven biển Việt Nam.

Đặc biệt, đề án đề cập tới việc phát triển mạnh kinh tế du lịch với các trung tâm, khu tổ hợp du lịch sinh thái, giải trí, nghỉ dưỡng biển, đảo có chất lượng cao, mang tầm quốc tế ở những cụm liên kết ngành kinh tế biển tại miền Trung, khu vực vùng biển Tây Nam (Kiên Giang-Cà Mau) và những khu vực vùng biển có điều kiện phù hợp.

Cùng với đó, đề án hướng tới phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trước hết ở những khu vực trọng điểm, có lợi thế gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh đa ngành của quốc gia, có sức cạnh tranh hội nhập quốc tế cao và từng bước mở rộng ra toàn vùng; chú trọng phát triển, liên kết ngành gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển lưỡng dụng kết hợp kinh tế với quốc phòng tại những khu vực trọng điểm về quốc phòng an ninh biển, đảo của đất nước…/.

Theo (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/phan-dau-den-nam-2030-hinh-thanh-7-cum-lien-ket-nganh-kinh-te-bien/808019.vnp